Xử trí sốc phản vệ và dị ứng sau tiêm văcxin

10/05/2016 14:13:00

Phản ứng sau tiêm văcxin thường là các triệu chứng toàn thân kết hợp với biểu hiện trên da như ban đỏ, phù Quincke, mày đay hoặc đường hô hấp gồm viêm mũi - kết mạc, cơn co thắt phế quản.

 
Phản ứng sau tiêm văcxin thường là các triệu chứng toàn thân kết hợp với biểu hiện trên da như ban đỏ, phù Quincke, mày đay hoặc đường hô hấp gồm viêm mũi - kết mạc, cơn co thắt phế quản.
 

Sau khi tiêm văcxin, cha mẹ cần chú ý đến biểu hiện của trẻ để phát hiện những phản ứng dị ứng nếu có để xử trí kịp thời. Ảnh: hanoimoi.

Theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về dị ứng - miễn dịch lâm sàng do Bộ Y tế ban hành, tỷ lệ các phản ứng không mong muốn do văcxin dao động trong khoảng 4,8 đến 83 ca/100.000 liều văcxin. Trong đó, tỷ lệ các phản ứng dị ứng khoảng 1/50.000 đến 1/100.000 liều tiêm.

Nghiên cứu cho thấy văcxin và các thành phần tá dược đều có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Những văcxin có thành phần bao gồm trứng hoặc gelatine thì phản ứng dị ứng thường nặng và tần suất xuất hiện nhiều hơn. Tuy vậy, sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra, chỉ khoảng 1/1.000.000 liều dùng.

Các biểu hiện phản ứng phụ do văcxin rất đa dạng nhưng hầu hết khu trú tại chỗ tiêm, là hậu quả của quá trình viêm không đặc hiệu do các thành phần trong văcxin như muối nhôm. Hiện chưa có bằng chứng khẳng định gia tăng nguy dị ứng văcxin ở những người có cơ địa dị ứng (atop).

Các phản ứng nhẹ tại chỗ hoặc tình trạng sốt sau tiêm văcxin thường xảy ra và không có chống chỉ định tiêm những liều chủng ngừa sau. Tuy nhiên, những trường hợp phản ứng dị ứng toàn thân hoặc sốc phản vệ cần được thăm khám, khai thác tiền sử dị ứng, làm test da với văcxin và thành phần trong văcxin để có thể đưa ra chẩn đoán và quyết định điều trị đúng ở người bệnh có phản ứng tức thì với văcxin.

So sánh tần suất xuất hiện các tác dụng phụ của một số văcxin thông thường

Văcxin

Phản ứng phụ/100.000 liều

  Influenza

    3

  Hepatitis B

   11,8

  Sởi – quai bị - rubella

  16,3

  Bạch hầu – ho gà – uốn ván

  12,5

Biểu hiện lâm sàng của phản ứng dị ứng văcxin bao gồm:

Phản ứng tức thì hoặc qua trung gian IgE:

Phản ứng dị ứng với các thành phần của văcxin có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt khi sử dụng các văcxin được nuôi cấy trong môi trường protein từ trứng, men bia rượu và gelatine. Các thành phần khác trong văcxin như kháng sinh, các chất bảo quản, cố định, các thành phần nhiễm bẩn như latex cũng có thể là yếu tố kích phát hoặc là nguyên nhân của phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, các protein trứng, gelatine và latex vẫn là nguyên nhân thường gặp nhất của các phản ứng dị ứng tức thì.

Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng tức thì sau tiêm hoặc uống văcxin thường là các triệu chứng toàn thân kết hợp với biểu hiện trên da như ban đỏ, phù Quincke, mày đay, triệu chứng đường hô hấp như viêm mũi, kết mạc hoặc cơn co thắt phế quản. Bên cạnh đó còn có các biến chứng tim mạch với biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp. Thậm chí có thể rơi vào tình trạng sốc trong vòng vài phút.

Các triệu chứng của sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng 4 giờ sau tiêm văcxin. Một bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốc phản vệ khi có ít nhất một trong số 4 dấu hiệu tại các cơ quan sau:

- Biểu hiện trên da: Mày đay, phù mạch (phù Quincke), ngứa và ban giãn mạch.

- Đường hô hấp: ngạt mũi, chảy mũi, sung huyết niêm mạc mũi, tiếng thở rít do phù nề hầu họng và thanh quản hoặc các triệu chứng ở đường hô hấp dưới như khò khè, thở rít, tức nặng ngực, thở nông, nặng có thể suy hô hấp.

- Tim mạch: Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, da tái nhợt, nặng có thể ngừng tim.

- Biểu hiện dạ dày ruột: Nôn, buồn nôn, đau quặn bụng, nặng có thể đại tiểu tiện không tự chủ.

Các phản ứng tại chỗ và quá mẫn chậm:

- Các phản ứng chậm với văcxin thường biểu hiện tại chỗ tiêm. Các phản ứng này không được xếp vào nhóm phản ứng dị ứng mà thường là hậu quả của phản ứng viêm không đặc hiệu do các thành phần như muối nhôm hoặc vi sinh vật gây ra. Chúng thường được gọi là các yếu tố hoạt hóa.

- Hiện tượng Arthus: Các phản ứng này thường tiến triển sau từ 6 đến 12 giờ với sự có mặt của các kháng thể ở nồng độ cao, thậm chí diễn tiến đến vài ngày sau giống như bệnh huyết thanh. Hậu quả của quá trình viêm cấp tính có thể dẫn đến sự phá hủy tổ chức với một số triệu chứng có cơ chế giống bệnh huyết thanh bao gồm viêm khớp và sốt.

- Các phản ứng quá mẫn chậm: Các phản ứng qua trung gian tế bào lympho T thường biểu hiện dạng ezema tại chỗ, khởi phát sau từ 2 - 8 giờ đến 2 ngày. Đôi khi phản ứng cũng có thể lan rộng hơn và biểu hiện toàn thân như hồng ban đa dạng, hội chứng AGEP với biểu hiện sốt cao, ban mụn mủ cấp tình toàn thân sau tiêm văcxin.

- Các biểu hiện sưng đau tại chỗ cũng có thể xuất hiện và lan rộng nhưng thường tự thoái lui sau từ 2 đến 4 ngày mà không để lại biến chứng gì. Những trường hợp này không có chống chỉ định tiêm văcxin sau đó. Các văcxin thường gây ra các phản ứng tại chỗ nặng như văcxin phế cầu đa giá, cúm, ho gà và đặc biệt là văcxin phối hợp bạch hầu và độc tố uốn ván, viêm gan siêu vi B. Đáp ứng miễn dịch đối với uốn ván dẫn đến các tác dụng phụ tại chỗ cho khoảng 80% ở người lớn. Khoảng 2% số trẻ em chủng văcxin phối hợp ho gà và uốn ván (DTaP) có phản ứng tại chỗ.

Điều trị các phản ứng dị ứng sau tiêm văcxin bao gồm:

Nếu bệnh nhân bị phản ứng dị ứng tại chỗ thì chườm đá tại chỗ tiêm. Trường hợp bị đau nhiều, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng paracetamol hoặc ibuprofen. Nếu có biểu hiện dị ứng, ngứa tại chỗ có thể sử dụng kháng histamine đường uống. Khi các triệu chứng thuyên giảm, cần theo dõi người bệnh ít nhất 30 phút tiếp theo.

Nếu bệnh nhân bị phản ứng phản vệ nhẹ với các biểu hiện thường gặp là mày đay và phù mạch (Quincke) thì dùng thuốc kháng histamine. Nếu triệu chứng nặng, toàn thân, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thêm corticosteroid. 
 

Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)

Nổi bật