Những món ăn ngày Tết giúp tăng cường thể lực

08/02/2019 06:34:09

Canh khổ qua, dưa hành, thịt gà, không chỉ là những thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn có tác dụng chữa bệnh, tăng cường thể lực.

Những món ăn dưới đây giúp mâm cỗ ngày Tết thêm phong phú, hấp dẫn. Ngoài ra, chúng cũng giàu dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho các thành viên trong gia đình vào dịp xuân về. 

Măng ninh với chân giò

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, cho biết trong Đông y gọi măng là trúc duẩn, vị ngọt hơi đắng, tính hàn không độc có tác dụng điều hòa tỳ vị, thanh nhiệt, giáng hỏa tiêu đờm, trị chứng khí nghịch, gây nôn ọe, ho nhiều đờm, nó còn có chất xơ làm cho thức ăn dễ tiêu hóa.

Chân giò lợn, Đông y gọi là trư đề có tác dụng bổ thận, bổ tỳ vị giải nhiệt, trị đơn độc. Hai loại thực phẩm này ninh nhừ cùng nhau, ăn trong ngày Tết vừa bổ dưỡng, ngon miệng lại dễ tiêu hóa, trừ được đờm dãi.

Canh khổ qua dồn thịt

Ngày Tết, canh khổ qua cũng là món ăn không thể thiếu của người miền Nam với niềm hy vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết để năm mới suôn sẻ, may mắn.

Những món ăn ngày Tết giúp tăng cường thể lực
Khổ qua dồn thịt là món ngon bổ dưỡng trong ngày Tết của người Việt. Ảnh: Cooky

Mướp đắng (hay khổ qua) là một loại quả rất giàu vitamin và khoáng chất như protein, lipit, cacbon hydrat, canxi, kali, magie, sắt…

Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, lạnh, vào tỳ vị tâm can có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Mướp đắng dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính, bệnh tiểu đường.

Canh khổ qua hầm rất mát và bổ. Khi có thêm những nguyên liệu như thịt, mộc nhĩ khô càng làm gia tăng thành phần dinh dưỡng có trong món ăn.

Thịt gà

Gà luộc là một món ăn cổ truyền từ bao đời nay trong mâm cỗ Tết của mỗi gia đình Việt. Đây là loại thực phẩm chất lượng cao, cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hóa.

Những món ăn ngày Tết giúp tăng cường thể lực - 1
Nếu sợ ngán, bạn có thể biến tấu thịt gà bằng cách trộn gọi chua ngọt. Ảnh: Mevaobep.

Ngoài ra, hàm lượng protein và phức hợp của amino axit trong thịt gà có ảnh hưởng tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, stress cũng như có tác dụng cải thiện huyết áp và nhịp tim.

Tùy sở thích, bạn có thể chế biến thịt gà theo nhiều công thức khác nhau như gà luộc, hoặc hầm cùng các vị thuốc (táo tàu, kỷ tử, hải sâm, nhãn nhục, hoài sơn, cam thảo, ngải cứu,...). Để chống ngán ngày Tết, bạn có thể biến tấu thịt gà thành món gỏi với vị chua ngọt, thanh mát.

Dưa hành

Hành trong Đông y gọi là thông bạch, vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí đào thải uế khí, giải độc, làm lưu thông khí huyết, kinh lạc. Hành còn có tác dụng làm ấm tỳ vị và tiêu hóa chất mỡ, giảm đau các khớp khi bị nhiễm lạnh.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ngâm muối là biện pháp được sử dụng cách đây hàng ngàn năm để bảo quản các thực phẩm ngoài mùa sinh trưởng của chúng.

Dưa hành muối nói riêng và của thực phẩm ngâm muối nói chung chứa rất nhiều các lợi khuẩn probiotic đồng thời có thể tăng cường các lợi khuẩn cho các bữa ăn.

Bên cạnh đó, dưa hành còn có các chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại các gốc tự do. Theo tiến sĩ Sơn, các gốc tự do là những hóa chất không ổn định được hình thành tự nhiên trong cơ thể, có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể.

“Bất kỳ thực phẩm nào khi nấu lên đều có thể phá vỡ một số các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt, bảo quản rau bằng cách ngâm muối có thể giữ lại các chất chống oxy hóa gần như nguyên vẹn”, tiến sĩ Sơn nói.

Theo Phương Anh (Tri Thức Trực Tuyến)