Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng bình giữ nhiệt để tránh ngộ độc, thậm chí 'rước ung thư'

04/11/2021 09:22:11

Nếu dùng bình giữ nhiệt không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt còn có nguy cơ gây ung thư nếu dùng bình không đảm bảo chất lượng.

Bình giữ nhiệt là sản phẩm rất phổ biến, được nhiều người tin dùng để đựng nước chè, canh, nước hoa quả, nước đá lạnh... với khả năng giữ đá khoảng 12 tiếng, giữ nóng 6-12 tiếng. Bình giữ nhiệt được quảng cáo làm hoàn toàn bằng inox (hợp kim của các kim loại nặng như crom, sắt, niken...).

Khi sử dụng bình giữ nhiệt inox, giữa hai lớp inox, người ta thường nhồi sợi amiăng với mục đích cách nhiệt và giữ nhiệt tốt. Sợi amiăng rất độc hại, nếu chui vào phế quản có thể gây ra ung thư phổi và các bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe con người. Tuy nhiên nếu chất amiăng không bị phát tán ra ngoài môi trường thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế cần đặc biệt lưu ý sử dụng bình giữ nhiệt, sử dụng bình còn nguyên vẹn, tránh va đập, thay bình mới khi thấy vị lạ trong nước.

Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng bình giữ nhiệt để tránh ngộ độc, thậm chí 'rước ung thư'

Bình giữ nhiệt có dấu hiệu sau bạn cần thay mới ngay lập tức

Nắp, gioăng cao su bị hỏng

Nếu gioăng cao su trên nắp bị hỏng, nắp bình bị lỏng bình sẽ không giữ kín hơi, dẫn tới giữ nhiệt kém. Nguy hiểm hơn, bình có thể bị chảy nước nóng ra ngoài và gây bỏng cho người dùng. Do đó, nên thay mới bình để đảm bảo an toàn.

Bình bị méo móp do va đập, rơi rớt

Bình bị va đập, dẫn tới móp méo có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các lớp chất liệu bên trong bình mà bạn không biết như nứt, vỡ… khiến bình bị rò nhiệt ra ngoài khả năng giữ nhiệt sẽ kém hơn ban đầu. Khi đó, bạn cần thay bình mới.

Bình bị gỉ sét, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Tuỳ theo từng loại bình mà phần ruột bên trong được làm các loại chất liệu khác nhau, sẽ có tình trạng khi tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm, cùng với việc bảo quản bình không kỹ sẽ xuất hiện các vết gỉ sét. Nếu có vết gỉ bạn đã chùi rửa mà vẫn không hết, thì lúc này bạn nên thay bình mới để đảm bảo cho an toàn sức khỏe của mình.

Lớp kính trong ruột bình bị vỡ

Với các loại bình thủy giữ nhiệt nóng lạnh có ruột bằng kính, nếu cho đá lạnh vào hay va đập mạnh có thể làm vỡ lớp kính này. Người dùng có thể đến trung tâm bảo hành để sửa chữa, lắp lại lớp kính mới hoặc tốt hơn là thay mới bình thủy để đảm bảo an toàn.

Bình giữ nhiệt không giữ được nhiệt lâu

Bình giữ nhiệt thông thường có thể giữ nước nóng lạnh từ 6 tới 8 tiếng hoặc thậm chí 1 – 2 ngày với các bình cao cấp. Sau một thời gian sử dụng, thời gian giữ nhiệt của bình không còn được như ban đầu thì có thể bình đã sử dụng quá lâu (từ 2 – 3 năm). Nếu điều đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng hàng ngày của bạn thì bạn nên thay thế một chiếc bình mới.

Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng bình giữ nhiệt để tránh ngộ độc, thậm chí 'rước ung thư' - 1

Sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách

Với bình giữ nhiệt sử dụng lần đầu, trước khi dùng nên dùng nước rửa chén hoặc bột baking soda hoặc giấm để rửa sạch cũng như khử mùi sản phẩm mới trong bình. Như thế, khi dùng bình trữ nước sẽ không ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng nước sử dụng.

Không đựng nước có tính axit trong bình giữ nhiệt, một số loại nước có tính chua như nước cam, nước táo mèo, nước sấu ngâm hay dưa muối, cà muối không nên tích vào bình giữ nhiệt. Bởi những loại nước, thực phẩm có chua có tính axit sẽ thúc đẩy quá trình giải phóng kim loại, từ có có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cần chú ý mức độ chịu nhiệt của loại bình bạn đang sở hữu để tránh trữ nước quá nóng có thể gây hư hỏng bình hoặc gây phản ứng với chất liệu bề mặt bình sản sinh chất gây hại.

Không nên đổ nước hay thức uống đầy sát miệng bình, dễ gây trào khi đóng nắp và không đạt hiệu quả giữ nhiệt tốt nhất. Nên để 1 khoảng trống không khí trên mặt bình sẽ cho hiệu quả giữ nhiệt lâu hơn.

Người dùng không nên đặt bình giữ nhiệt trong tủ lạnh, vì chất lỏng trong bình sẽ giãn nở khi gặp lạnh và làm biến dạng bình, giảm hay mất hiệu quả giữ nhiệt của sản phẩm.

Không dùng bình giữ nhiệt trong lò vi sóng, vì bình giữ nhiệt làm bằng kim loại dễ gây cháy nổ. Nếu muốn làm nóng đồ uống thì hãy đổ nước ra một vật dụng khác để làm nóng sau đó cho lại vào bình.

Sau khi bỏ thức uống vào bình, cần kiểm tra nắp đậy phải đóng chặt, khớp ron để bình kín và giữ nhiệt tốt nhất, tránh rò rỉ nước khi di chuyển.

Trong quá trình sử dụng và cất giữ, tránh va đập hay lực tác động quá mạnh lên bình sẽ làm móp méo bình, khiến 2 lớp kim loại va chạm vào nhau, làm giảm khoảng không giữa 2 lớp kim loại dẫn đến khả năng giữ nhiệt giảm sút.

Nên cho bình có 1 “khoảng thở” giữa 2 lần trữ nước nóng – lạnh liên tiếp. Nếu đang đựng nước nóng và muốn chuyển sang đựng nước lạnh (hoặc ngược lại), bạn cần để bình có thời gian giãn cách khoảng 10 – 15 phút. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến chất liệu trong bình co – giãn đột ngột, ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng sử dụng.

Ngay sau khi dùng, bình giữ nhiệt cần được vệ sinh sớm nhất rồi bảo quản nơi khô thoáng để tránh phát sinh nấm mốc, vi khuẩn tích tụ cũng như bám mùi thức uống.

Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng bình giữ nhiệt để tránh ngộ độc, thậm chí 'rước ung thư' - 2

Cách vệ sinh bình giữ nhiệt

Trước hết, cần lưu ý, tuyệt đối không dùng các chất tẩy rửa mạnh, dung dịch gây ăn mòn (thuốc tẩy, axeton…) để vệ sinh bình giữ nhiệt.

Khi đựng nước lọc thông thường, bình chỉ cần dùng nước rửa chén rửa sạch và lau khô hoặc để khô tự nhiên là có thể sử dụng.

Sau khi trữ các thức uống giữ mùi, giữ cặn khác, bình cần được làm sạch kỹ lưỡng hơn để không ẩm mốc, sinh khuẩn và ảnh hưởng đến lần sử dụng sau.

Theo Thanh Huyền (Tiền Phong)