Chỉ trong 2 tuần, đã có 3 đứa trẻ qua đời vì bệnh bạch hầu. Mới nhất là em bé 4 tuổi ở Gia Lai. Trước đó, cậu bé 13 tuổi và bé gái 9 tuổi ở Đắk Nông cũng thiệt mạng vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Các em đều bị bạch hầu ác tính, biến chứng tổn thương tim và suy tim rất nặng, cơ tim bị phá hủy, rối loạn nhịp tăng dần, men tim tăng cao...
Hàng chục người khác tại Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và TP HCM cũng đã nhận kết quả dương tính với bạch hầu.
Bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở các tỉnh Tây Nguyên. Mới nhất, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, UBND huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) đã yêu cầu địa phương có 10 người mắc bệnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 6/7.
Đắk Đoa là huyện vừa có bệnh nhi tử vong vào sáng qua, 5/7, vì bạch hầu. Đồng thời, có 9/24 mẫu lấy tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang) - nơi cư trú của bệnh nhi vừa tử vong - đã nhận kết quả dương tính với bạch hầu, được ngành y tế đưa đi nhập viện, điều trị theo quy định.
Có một điểm chung ở hầu hết các ca bệnh bạch hầu là chưa được tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng bậc nhất trong dự phòng bệnh bạch hầu, tiến tới thanh toán hoàn toàn căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019 vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng.
Năm 2020, dự án tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục triển khai tiêm vaccine Td cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, thành với số đối tượng dự kiến là 1.005.583 trẻ. Đây là mũi vaccine bạch hầu thứ 5 để củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho trẻ ở lứa tuổi lớn hơn.
Trong đó những tỉnh thành có nguy cơ cao sẽ do tỉnh chủ động lập kế hoạch tiêm vaccine phòng bạch hầu. Trước mắt những tỉnh có ổ dịch cần tập trung dập dịch trước để tránh lây lan ra cộng đồng.
Trẻ được tiêm miễn phí một liều Td tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ đã tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... thì tạm hoãn tiêm.
Tại Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã triển khai tiêm vaccine bạch hầu cho trẻ nhỏ tại các trạm y tế với lịch tiêm cụ thể như sau: trẻ dưới một tuổi cần tiêm ba liều cơ bản (lúc hai, ba, bốn tháng tuổi) và tiêm nhắc lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khẳng định trẻ đã tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng rất khó bị bệnh bạch hầu, thường bệnh bạch hầu chỉ gặp ở những trẻ từ 4-5 tuổi trở lên, ở người lớn.
Theo nhiều chuyên gia, bệnh bạch hầu thường xuất hiện ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa là do nơi đây có tỉ lệ tiêm vaccine phòng bạch hầu thấp.
Khi có tỷ lệ tiêm phòng thấp (độ phủ thấp) trong cộng đồng, cùng với yếu tố người bệnh không có đủ kháng thể, bệnh có thể tái xuất, khiến nhiều người mắc bệnh.
Bệnh rất nguy hiểm
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bạch hầu thuộc nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Bạch hầu là 1 trong khoảng 20 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo cáo từng trường hợp bệnh ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo không muộn quá 24 giờ (theo Thông tư hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm).
Bộ Y tế khuyến cáo bạch hầu rất nguy hiểm vì vi khuẩn gây ra độc tố cực mạnh. Chất độc giết chết các tế bào trong miệng, mũi và cổ họng. Các tế bào chết nhanh chóng tích tụ và tạo thành một màng bám có thể bám vào cổ họng và dẫn đến tử vong do nghẹt thở. Bạch hầu cũng có thể ảnh hưởng đến tim (gây suy tim và tử vong) và các dây thần kinh (gây tổn thương thần kinh bao gồm yếu và tê liệt chân tay).
Các triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu bao gồm:
Bạch hầu thể họng: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.
Theo Thu Nguyên (Giadinh.net.vn)