Ngày 26/6, Bệnh viện Quân y 175 đã cung cấp thông tin về trường hợp mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại đơn vị này.
Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện 175 chiều nay xác nhận bệnh nhân là nam học viên (20 tuổi). Ngày 19/6, nam học viên được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt kèm đau họng, sưng hạch cổ.
Sau khi điều trị theo phác đồ kháng sinh và huyết thanh kháng bạch hầu (phải lấy từ Hà Nội vào do bệnh viện không dự trữ), kết quả xét nghiệm mới nhất của bệnh nhân này đã âm tính với vi khuẩn bạch hầu.
Hiện tại bệnh nhân đã hết sốt và đau họng, đáp ứng tốt với quá trình điều trị, chưa có biểu hiện biến chứng của bệnh bạch hầu, ổn định trong tầm kiểm soát.
Theo bác sĩ Phan Bá Hiếu - Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân đến viện khám ngày 19/6 sau 2 ngày sốt, đau họng. Tại đây, bệnh nhân được chuyển qua khám chuyên khoa Tai mũi họng.
Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có giả mạc trong thành họng nghi ngờ bạch hầu và gửi mẫu qua Khoa vi sinh vật của bệnh viện để xét nghiệm và soi thấy vi khuẩn bạch hầu.
Đồng thời, bệnh viện cũng thông báo ngay Trung tâm y tế dự phòng và gửi mẫu qua Viện Pasteur TP.HCM.
Kết quả xét nghiệm Viện Pasteur TP HCM cho kết quả dương tính bệnh bạch hầu.
Ngay sau khi xác định bệnh nhân mắc bạch hầu, Bệnh viện Quân y 175 đã nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn và điều tra dịch tễ. Đồng thời, bệnh viện xác định người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại bệnh viện và nơi bệnh nhân học tập ngay trong đêm và sáng hôm sau.
Hiện tại đã xác định được 42 người gồm nhân viên y tế, người tiếp xúc gần ở nơi sinh hoạt và học tập của bệnh nhân. Số người này đã được cho uống thuốc dự phòng và xét nghiệm bạch hầu đều cho kết quả âm tính. Tính đến thời điểm này, không có ca bạch hầu mới tại bệnh viện, nơi sinh hoạt và học tập của bệnh nhân.
Cũng theo đại tá Trần Quốc Việt, vi khuẩn bạch hầu có cơ chế lây qua giọt bắn như virus corona, qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi... Tuy nhiên, khối lượng của vi khuẩn này nặng gấp 10-20 lần so với virus corona nên khó lây hơn.
Bệnh bạch hầu khác COVID-19, do đó người dân không nên hoang mang, biện pháp phòng ngừa hiện nay là tiêm vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi.
Nguyên tắc phòng ngừa vi khuẩn bạch hầu cũng giống như phòng ngừa virus corona. Đó là, vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh bề mặt các vật dụng, nhất là đồ chơi của trẻ em, tránh tiếp xúc với các cháu nhỏ có triệu chứng.
Riêng bác sĩ Phan Bá Hiếu - Phụ trách khoa Truyền nhiễm cho hay, bệnh bạch hầu phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng đầy đủ gồm 3 mũi trong năm đầu và tiêm nhắc lại một mũi trong 5, 10 năm tiếp theo. Người đã chích ngừa nếu có mắc bệnh thì cũng sẽ nhẹ hơn.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu, người dân cần tuân thủ uống thuốc dự phòng, khả năng bảo vệ có thể đạt 100% nếu cơ thể không kháng thuốc.
5 khuyến cáo của Bộ Y tế phòng chống bệnh bạch hầu
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó, một trẻ đã tử vong.
Hiện tại, một trường hợp 13 tuổi (dân tộc Mông, ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong) mắc bạch hầu biến chứng nặng, đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM theo dõi, điều trị.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và lây lan rất nhanh. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt ở nơi dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng.
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine đủ liều, đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh được điều trị khỏi bằng kháng sinh.
Bệnh bạch cầu thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, mới đây Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)