Ngày 15/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tin tức đầu tiên về làn sóng viêm gan bí ẩn không rõ nguyên nhân ở 74 trẻ em tại Vương Quốc Anh. Sau đó một tuần, bản cập nhật ngày 23/4, WHO cảnh báo các ca mắc tương tự cũng được phát hiện ở một số quốc gia khác tại châu Âu, Israel, Mỹ.
Tính đến ngày 10/5, ít nhất 23 quốc gia đã ghi nhận trẻ mắc viêm gan bí ẩn với hơn 350 trường hợp. Hàng chục ca khác đang nghi ngờ. Đặc biệt, 9 bệnh nhi đã tử vong, ít nhất 18 trẻ phải ghép gan vì bệnh nặng.
Theo China News, người phát ngôn của WHO - ông Tarik Jasarevic cho biết, các số liệu trên có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm so với con số thực tế. Dù hầu hết các quốc gia đều bắt đầu phát đi thông báo cảnh giác, siết chặt hàng rào phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh nhưng việc các ca nhiễm cũng như tử vong vì nó sẽ còn tăng lên nhanh trong thời gian sắp tới.
Điểm đáng lo ngại là dù thực hiện nhiều nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân gây bệnh chính xác. Các dấu hiệu cũng rất dễ bị nhầm lẫn với cảm, sốt, rối loạn tiêu hóa… hoặc các bệnh viêm gan thông thường.
Nghi phạm hàng đầu gây viêm gan bí ẩn là gì?
Điều đặc biệt trong số các ca mắc viêm gan bí ẩn hiện nay là không tác nhân gây viêm gan nào trước đó được tìm thấy. Các quan chức y tế Anh - nơi đầu tiên cảnh báo về làn sóng dịch bệnh này - cho biết virus adeno rất có thể là thủ phạm. Đây là loại thường gây bệnh cảm lạnh thông thường.
Theo tài liệu của Đại học Stanford, adeno là nhóm virus phổ biến, có thể gây ra nhiều bệnh như cảm lạnh thông thường hoặc triệu chứng giống cúm, sốt, viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột cấp tính. Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 loại virus adeno, trong đó, 50% đã truyền nhiễm sang con người.
Adeno có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, song, người mắc ít khi bị bệnh nghiêm trọng. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc bệnh hô hấp hoặc tim có nguy cơ cao bị bệnh nặng do nhiễm trùng adeno.
Trong khi đó, virus adeno 40, 41 thuộc nhóm 7, còn được gọi là virus adeno đường ruột vì chúng liên quan tình trạng viêm dạ dày ruột. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tiêu chảy nặng đến mức nhập viện ở trẻ em, sau rotavirus. Loại 40 có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ em dưới 12 tháng và loại 41 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở trẻ em khoảng 28 tháng tuổi.
Điều khiến các bác sĩ bối rối đó chính là họ tìm thấy virus adeno trong mẫu máu nhưng không phải tất cả mô gan của bệnh nhân ở Alabama đều có virus này.
Theo tiến sĩ Markus Buchfellner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi ở Đại học Alabama, trong số 9 trẻ được phân tích lâm sàng, mức độ viêm, tổn thương gan rất nặng, song họ không tìm thấy virus adeno 41 trong gan. Các nhà khoa học chỉ tìm thấy virus trong máu. Trường hợp này tương tự trẻ đến từ South Dakota được phát hiện cách đây vài ngày.
Nếu adeno 41 là nguyên nhân gây ra những ca bệnh viêm gan bí ẩn, câu hỏi đặt ra là tại sao nó chỉ xuất hiện trong máu mà không phải ở những mô gan bị tổn thương nặng.
Nhà virus học Vinod Balasubramaniam, Đại học Monash Malaysia, cũng cùng quan điểm khi đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh adeno trong làn sóng viêm gan này. “Nếu adeno là nguyên nhân của những trường hợp này, có khả năng một biến chủng mới của virus đã xuất hiện và dễ gây bệnh viêm gan hơn”, vị chuyên gia nói.
Giáo sư vi sinh vật học Peter White, Đại học New South Wales (UNSW), Mỹ, cho biết: “Adeno 41 là những virus DNA rất thông minh và có khả năng lây nhiễm sang các cơ quan khác nhau. Ví dụ, một số người sẽ gặp phải cả các triệu chứng về đường hô hấp và đường tiêu hóa khi bị nhiễm virus adeno. Gan giống người cận vệ của hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu virus có khả năng lây nhiễm sang gan, điều đó cũng không quá ngạc nhiên. Chúng tôi đang xem xét giải trình tự toàn bộ virus để có được bộ gene đầy đủ, tìm kiếm hiện tượng tái tổ hợp hoặc đột biến cho phép nó ảnh hưởng tế bào gan”.
Triệu chứng của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Chia sẻ trên trang New York Times, Tiến sĩ Alexander Weiman, Giám đốc Trung tâm Gan tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Columbus, Ohio (Mỹ) liệt kê 8 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là:
- Trẻ đột nhiên mệt mỏi, chán ăn hoặc quấy khóc bất thường.
- Liên tục buồn nôn, bị nôn trớ.
- Đau bụng ở vùng gan hoặc đau cơ khớp ở nhiều nơi trên cơ thể.
- Bị tiêu chảy, mất nước hoặc các rối loạn tiêu hóa kéo dài trên 2 ngày.
- Bị vàng da hoặc da xỉn màu, ngứa ngáy.
- Bị viêm kết mạc, khó chịu ở mắt, vàng mắt.
- Sốt cao lâu khỏi, rối loạn tri giác.
- Nước tiểu vàng sậm, phân màu xám hoặc màu nhợt nhạt hơn nhiều so với bình thường.
Cách phòng bệnh viêm gan bí ẩn
- Trao đổi với Sức Khỏe & Đời Sống, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đi khám để xem trẻ có tổn thương gan không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ.
Trường hợp trẻ đã có biểu hiện tiểu vàng, mắt vàng thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, rất nguy hiểm.
- Trong bối cảnh hiện nay, người dân đã trải qua một thời gian khá dài của đại dịch COVID-19, ý thức phòng bệnh đã dược nâng cao hơn và cần duy trì ý thức, thói quen này.
- Ngoài ra, với bệnh viêm gan bí ẩn thì cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…
- Ở nhà và ở trường lớp, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời. Không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời.
- Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện.
Cách điều trị bệnh viêm gan bí ẩn là gì?
Hiện tại, không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh viêm gan này. Các bệnh nhi nhập viện sẽ được tiếp nhận như trẻ mắc viêm gan khác và làm các xét nghiệm.
Với các trẻ chuyển nặng, bị tổn thương gan nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định ghép gan. Sau khi ghép tạng, bệnh nhi sẽ phải uống thuốc chống đào thải cơ quan mới và gần như gắn với loại thuốc này suốt phần đời còn lại.
Chín ca tử vong vì viêm gan bí ẩn vẫn chưa có nhiều thông tin. Giới chức y tế hiện tại chưa có thêm báo cáo phân tích lâm sàng về những ca bệnh này.
Các chuyên gia cũng cho biết những tin tức về viêm gan bí ẩn trong thời điểm này có thể khiến phụ huynh lo lắng, song, đây là loại bệnh rất hiếm. Theo ông Buchfellner, virus adeno có thể lây truyền rất nhanh ở trẻ khi đến trường qua đường hô hấp, tiếp xúc gần. Loại virus này thường không gây bệnh nặng và có thể chỉ giống cảm cúm, bệnh kéo dài vài ngày. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng, hãy dạy thói quen rửa sạch tay đúng cách, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
PN (Nguoiduatin.vn)