Cùng với mức sống được nâng cao, bữa ăn của người dân trở nên đầy đặn hơn với rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, nếu thích gì ăn nấy lại ít vận động, bạn dễ dàng mắc tiểu đường, béo phì, máu nhiễm mỡ, gút… Đó là những căn bệnh “nhà giàu” phổ biến khi mọi người có điều kiện sống tốt hơn.
1. Tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh do rối loạn chuyển hóa glucose bởi lượng insulin trong cơ thể không đủ hoặc không được sử dụng hiệu quả. Khi đó, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ tăng mạnh.
Tiểu đường type 1 thường có các biểu hiện rõ rệt như ăn nhiều nhưng lại sụt cân, đi tiểu nhiều, khô miệng…
Tiểu đường type 2 không có triệu chứng rõ ràng. Một số người phát hiện ra bệnh khi xét nghiệm glucose máu lúc khám định kỳ hoặc có biến chứng như khó lành vết thương.
Loại bệnh này có thể chữa trị bằng cách dùng thuốc kiểm soát lượng đường trong máu kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện tích cực. Bệnh nhân cần hạn chế tối đa đồ chiên rán, thịt đỏ (bò, lợn)…
2. Máu nhiễm mỡ
Hiện tượng này xảy ra khi các chỉ số cholesterol và triglycerides tăng cao đồng nghĩa tỷ lệ mỡ trong máu cao. Bệnh có các biểu hiện như thường xuyên đau đầu, tức ngực, chóng mặt, thở gấp… có thể dẫn tới cao huyết áp, đau tim.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này như di truyền, thói quen hút thuốc lá, lười vận động… nhưng chế độ ăn thiếu khoa học ảnh hưởng nhiều nhất. Bạn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu ăn nhiều đồ chứa chất béo, đồ đóng hộp.
3. Bệnh mạch vành
Đây là bệnh lý xảy ra khi mạch máu vành tim bị nghẽn dẫn đến tim không nhận đủ máu và oxy cần thiết. Bởi vậy, bệnh nhân có nguy cơ chịu đựng những cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Trước đây, bệnh hay gặp ở những người trung niên, cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do nhiều người có thói quen hút thuốc, ít vận động, mắc các bệnh béo phì, tiểu đường.
Cách phòng bệnh hiệu quả là giảm ăn mỡ, muối, đồ ngọt, nội tạng động vật.
4. Gút
Căn bệnh xảy ra do thận không thể lọc axit uric trong máu. Khi nồng độ của chất này quá cao sẽ gây viêm, sưng khớp khiến bệnh nhân đau đớn.
Lý do chính của bệnh chính là do ăn quá nhiều thịt, nội tạng động vật, hải sản, uống nhiều bia là các thực phẩm giàu purine gây ra bệnh gút.
Căn bệnh này có thể kiểm soát bằng việc điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giữ cân nặng vừa phải. Theo đó, người bệnh nên hạn chế ăn nội tạng (nhất là gan), hải sản, thịt đỏ; tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ (rau củ); uống nhiều nước; giảm đồ uống có cồn (rượu, bia), cà phê, trà…
5. Béo phì
Để xác định một người có béo phì hay không, các bác sĩ dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI. Một người có chỉ số BMI bình thường sẽ dao động trong khoảng 18,5 - 24,9. Nếu chỉ số BMI từ 30 trở lên, bạn đang ở ngưỡng béo phì.
Ngoài dáng vẻ không cân đối, đi lại khó khăn, người béo phì còn có nguy cơ nhiễm các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiểu đường, tiêu hóa…
Một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng béo phì do thói quen dùng thức ăn nhanh, nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu...
Các căn bệnh nhà giàu có thể phòng ngừa và kiểm soát được. Tuy nhiên, bạn cần tránh xa các thói quen xấu, bỏ hút thuốc và uống rượu, áp dụng chế độ ăn ít béo, ít muối, ít đường.
Ngoài ra, mọi người cũng nên chú ý hơn tới chuyện nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống và công việc, thường xuyên rèn luyện thể thao để tăng cường sức đề kháng.
Theo An Yên (VietNamNet)