32 tuổi đã bị gút
Anh Đỗ Xuân Thao, quê Phú Thọ hiện đang đi làm tại TP.HCM vừa đi khám bệnh bác sĩ chẩn đoán gút, chỉ số axit uric của anh cao hơn người bình thường 3,4 lần. Anh Thao kể anh là dân công trình nay đây mai đó, hầu như ngày nào cũng phải ăn uống, tiếp khách, nhậu nhẹt.
Bố anh Thao cũng có tiền sử bị gút nhưng anh nghĩ đó là bệnh của người già, mình còn trẻ sao mắc bệnh được. Cách đây 3 tuần, cứ đến tối anh cảm thấy các khớp ngón tay, ngón chân của mình đau. Đặc biệt chỉ cần đi giày, đi dép cũng đau không chịu được.
Anh Thao nghĩ mình bị viêm đa khớp nhưng đang ở trong công trình xa nên anh ngại đi khám đã cố chịu đựng.
Đến khi nhìn các khớp to lên, sưng đỏ, nóng rát, anh Thao mới vào bệnh viện khám. Bác sĩ nghi ngờ gút và khi xét nghiệm chỉ số axit uric của anh cũng cao gấp 3, 4 lần người bình thường. Theo tư vấn của bác sĩ, anh Thao phải kiêng bia rượu, nhậu nhẹt, các thực phẩm giàu đạm.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Tĩnh (67 tuổi, quê Hạ Long, Quảng Ninh) vào viện với tình trạng khớp sưng đau, to như quả trứng gà. Ông Tĩnh kể ông bị bệnh gút 6 - 7 năm nay nhưng thời gian đầu uống thuốc điều trị bệnh đỡ, không tái phát. Gần đây, ông Tĩnh thấy đau tiếp ở các ngón chân cái, ngón tay cái nên đến nhà thầy lang mua thuốc đông y về uống.
Kết quả, 1 tháng uống thuốc các khớp sưng to hơn, đau không thể di chuyển được ông mới đến bệnh viện khám.
ThS BS. Nguyễn Đức Thành – Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Phục Hồi Chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết bệnh gút là do chế độ ăn quá thừa đạm cộng với sự lạm dụng rượu bia quá mức dẫn đến rối loạn chuyển hóa acid uric.
Thạc sĩ Thành cho biết, trước đây bệnh gút được xem là căn bệnh của nhà giàu thì hiện nay bệnh gút cũng "nghèo hoá" không phải chỉ nhà giàu mới mắc căn bệnh này.
Tại Việt Nam bệnh ngày càng tăng và trẻ hóa cả ở thành thị và nông thôn, người giàu và người nghèo đều bị. Thạc sĩ Thành cho rằng, đi tới đâu cũng thấy người dân ăn uống, nhậu nhẹt, chè chén. Điều này dẫn tới các bệnh lý chuyển hóa gia tăng trong đó có bệnh gút.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh gút là do ăn nhiều thực phẩm chứa purin như: hải sản, thịt trâu, bò, ngựa, dê, thịt thú rừng…, phủ tạng động vật, trứng gia cầm nhất là trứng vịt lộn, những thực phẩm giàu đạm khác, thủy sản.
Thói quen uống nhiều bia, rượu mạnh, cà phê làm tăng tích lũy acid uric trong máu và làm dễ lắng đọng urat tại khớp. Uống nhiều nước ngọt có ga làm tăng nguy cơ béo phì. Người bị béo phì, cao huyết áp, rối loạn mỡ- máu, suy giảm chức năng của thận là các yếu tố nguy cơ thường đi kèm với bệnh gút.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, người bị bệnh gút mạn tính nên uống nhiều nước, tối thiểu 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày, nhất là nước khoáng không ga có độ kiềm cao sẽ giúp làm giảm nồng độ acid uric trong nước tiểu, hạn chế sự kết tinh urat tại ống thận, từ đó làm giảm nguy cơ bị sỏi thận.
Trong suốt quá trình điều trị cũng như về lâu dài, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng dành cho người bị bệnh gút. Ngoài ra, các người bệnh bị gút mạn tính cần được kiểm tra chức năng thận và sỏi thận định kỳ.
Việc điều trị bệnh gút cần theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Nếu hết đợt gút cấp, khi khớp đã hết sưng đau, người bệnh cần dùng thêm các thuốc giúp làm hạ acid uric-máu để tránh biến chứng.
Nếu không điều trị, gút mãn tính có thể gây biến dạng khớp với hư hại xương và sụn; người bệnh có thể bị viêm thận, sỏi thận, suy thận; xuất hiện các cục quanh khớp làm mất thẩm mỹ và có thể gây tàn phế.
Theo Tiểu Nhã (Soha/Trí Thức Trẻ)