Không chỉ là những gì thân thuộc, yêu thương nhất, sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng quý báu mà không ai có thể phủ nhận được. Sữa mẹ chứa đầy đủ thành phần, dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ như DHA, protein, chất béo…
Bên cạnh đó, có rất nhiều mẹ tin rằng sữa mẹ có thể được sử dụng như… thuốc quý, là một cách trị bệnh cực tốt cho trẻ sơ sinh. Mặc cho trước đây đã từng có nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì trị bệnh theo cách chữa bệnh tai hại này, thế nhưng đến nay vẫn có những mẹ mù quáng làm theo.
Hậu quả khi coi sữa mẹ là "tiên dược" chữa bệnh…
Đầu tháng 6/2018, bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận và xử trí một trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi ở Sơn La nhập viện trong tình trạng phù nề, giác mạc mắt trái bị hoại tử toàn bộ. Các bác sĩ kết luận bệnh nhi không thể điều trị nội khoa, không thể ghép giác mạc, buộc phải khoét bỏ, lắp mắt giả. Nguyên nhân đến từ việc gia đình nhỏ sữa mẹ trực tiếp vào mắt bé để trị đỏ mắt trái. Sau 1 tuần thấy mắt trẻ sưng nề, gia đình đã đưa lên bệnh viện huyện khám và ngay lập tức chuyển lên bệnh viện Mắt Trung ương.
Được biết, trước đó, vào tháng 11/2017, bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bé sơ sinh bị hỏng mắt do nhỏ sữa mẹ và em bé này cũng ở Sơn La.
Theo thống kê của khoa Mắt Trẻ em, Bệnh viện Mắt trung ương, mỗi năm BV tiếp nhận 4-5 bệnh nhi bị tổn thương mắt rất nặng do nhỏ sữa mẹ. Những trường hợp này đều rất khó điều trị.
Ngoài dùng sữa mẹ để nhỏ mắt, nhiều gia đình còn sử dụng loại "thuốc tiên" này để chữa giời leo, zona thần kinh… khiến các vết thương phát triển nặng hơn.
Sữa mẹ chỉ là thức ăn chứ không phải dược phẩm
Mặc dù trước đây đã từng có rất nhiều trường hợp nhận hậu quả nặng nề khi chữa bệnh bằng sữa mẹ thế nhưng nhiều người vẫn không hề sợ hãi.
Theo bác sĩ Nhi khoa Phí Văn Công, ai trong chúng ta đều phải công nhận rằng sữa mẹ giàu dinh dưỡng, chứa kháng thể và vô trùng. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định: Sữa mẹ đơn thuần là thức ăn chứ không phải là dược phẩm nên không hề có tác dụng chữa bệnh. Hơn nữa, sữa chỉ vô trùng khi nằm trong bầu vú mẹ, nếu vắt rồi để ở môi trường tự nhiên, không bảo quản đúng cách thì chỉ sau một thời gian ngắn, các loại vi sinh vật (vi trùng, siêu vi trùng, vi nấm...) nhanh chóng phát triển như những loại thực phẩm khác và có thể gây ra các biến chứng nặng.
"Sữa mẹ giàu dinh dưỡng nên lại là môi trường vô cùng thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nhỏ sữa mẹ vào một ổ nhiễm trùng khác nào "đổ dầu vào lửa", điều này không phải ai cũng biết! Sữa mẹ vốn sinh ra là thức ăn cho trẻ nhỏ, tức là chỉ nên "ti" sữa mẹ thôi, đừng cố "sáng tạo" nó! Cái gì QUÁ cũng không tốt, CUỒNG lại càng không", bác sĩ Công khẳng định.
Theo 1 số bác sĩ, nếu nhỏ vào mắt trẻ sữa mẹ vừa vắt thì có thể lúc này sữa chưa bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, đây lại là hình thức cung cấp dinh dưỡng cho các vi sinh vật đang "trú ngụ" tại mắt, vết thương ngoài da... làm bệnh tình của trẻ thêm trầm trọng.
Bên cạnh "tác dụng nổi tiếng" đó là trị đau mắt, sữa mẹ còn được nhiều gia đình tin dùng để trị viêm tai giữa cho trẻ. Mới đây, một mẹ đang nuôi con nhỏ đã đăng đàn kể khổ về trường hợp bệnh của con mình, thay vì nhận được sự đồng cảm từ mọi người thì bà mẹ này nhận về nhiều chỉ trích vì lạm dụng sữa mẹ chữa bệnh.
Bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng của phòng khám MD KIDS PEDIATRICS, thành phố McKinney, Texas (Mỹ) cho biết: "Viêm tai giữa là hiện tượng viêm nhiễm ở khoang tai giữa (middle ear) được cách biệt với ống tai ngoài bởi màng nhĩ (ear drum). Nhỏ sữa vô tai không những không có tác dụng vì có vào tới tai giữa đâu, cho dù có vào thì cũng không làm gì được con vi trùng gây viêm tai giữa.
Vài ngày nó thành sữa chua thúi hoắc trong ống tai, nhiễm trùng ống tai ngoài thì có mà khóc tiếng Miên. Chưa kể nhà có kiến, chúng nó nghe mùi sữa vào làm tổ trong đó thì còn khổ nữa".
Các bác sĩ Nhi khoa cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo trước những trào lưu bộc phát. Nếu mắc bệnh thì phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Đỗ Đỗ (Helino)