Nhiều trẻ cong vẹo cột sống nhưng đi khám muộn, cha mẹ hãy nghe cảnh báo của chuyên gia

06/06/2022 09:34:29

Nhiều trẻ cong vẹo cột sống phát hiện muộn, đến viện trong tình trạng nặng, qua “giai đoạn vàng” điều trị, khiến phổi không đủ phế nang gây khó thở, ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa…

Phát hiện muộn, điều trị khó khăn, để lại di chứng

Từ năm 12 tuổi, cháu N.H.Y (Thái Bình) thấy mình cơ thể mình đổi khác, lâu dần, cháu cảm mất cân đối giữa 2 vai, khi đứng thẳng tay chân không đều. Nhưng cháu đã không kịp thời nói với cha mẹ về sự bất thường này, lâu dần cháu Y thấy vai bên cao bên thấp, sau lưng gồ lên như cái bướu. Ngại ngùng cháu thường mặc áo rộng thùng thình, đi đứng không tự nhiên. 3 năm sau, gia đình mới phát hiện sự bất thường của con, đưa con đi khám thì phát hiện cháu bị gù vẹo cột sống phải phẫu thuật.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) hàng năm có rất nhiều trẻ đến khám cong vẹo cột sống. Có phụ huynh cho biết, vì dịch COVID-19 nên việc đưa con đến viện thăm khám bị trì hoãn. Bệnh càng để lâu, mức độ nặng càng tăng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nhiều trẻ cong vẹo cột sống nhưng đi khám muộn, cha mẹ hãy nghe cảnh báo của chuyên gia
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thăm khám cho bệnh nhi gù vẹo cột sống.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, phần lớn các cháu đến đây khám ở giai đoạn muộn. Một số cháu phát hiện vẹo đã lâu có theo dõi, nhưng do chấp hành tuân thủ điều trị không đảm bảo (mặc áo nẹp không đủ thời gian quy định) nên góc vẹo tăng lên. Trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện phẫu thuật 200 ca trẻ bị cong vẹo cột sống.

Tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống chiếm tới 2-3% trong các dị tật của trẻ em ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Trung bình cứ 100 em trong độ tuổi có 2-3 cháu bị cong vẹo nói chung. Nhiều trẻ đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám đều có tâm lý mặc cảm, các cháu thường mặc áo rộng thùng thình để che khiếm khuyết.

PGS.TS. Đinh Ngọc Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức cũng nhấn mạnh: Cột sống không chỉ là cột đỡ cơ thể mà còn liên quan đến cả lồng ngực, ổ bụng. Nếu trẻ bị cong vẹo cột sống trong khi tạng trong lồng ngực đang phát triển sẽ nguy hiểm.

Chẳng hạn trẻ từ 3-8 tuổi, tạng đang phát triển, nhưng nhiều trẻ do bị vẹo cột sống nên bị xẹp một bên phổi, lồng ngực không phát triển được, các phế nang bị xẹp dẫn đến suy hô hấp. Có trẻ hơn 10 tuổi đã bị suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Tim, phổi cũng không phát triển tốt được. Khoang gan mật bị hẹp lại cũng bị ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác. 

Nếu bệnh về cột sống không được chữa trị, sẽ dễ bị tai biến nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề như liệt chân tay, liệt cả người...

3 nhóm nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống ở trẻ

Theo PGS.TS. Đinh Ngọc Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống chiếm 0,5 - 1% dân số. Có 3 nhóm nguyên nhân lớn gây bệnh vẹo cột sống trẻ

Nhóm nguyên nhân thứ nhất: Tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì.

Nhóm nguyên nhân thứ hai: Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống… gây nên vẹo cột sống.

Nhóm nguyên nhân thứ 3: Tư thế như ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn…

Nhiều trẻ cong vẹo cột sống nhưng đi khám muộn, cha mẹ hãy nghe cảnh báo của chuyên gia - 1
Rất nhiều trẻ đến thăm khám cong vẹo cột sống.

Có đến 80 - 85% trường hợp bị gù, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.

"Nhưng vấn đề lớn là hầu hết các cháu không được phát hiện sớm, khi đến BV Việt Đức thăm khám thì đã rất nặng, đa phần phải điều trị phục hồi chức năng hoặc phải mổ" - PGS.TS

Vì thế, theo chuyên gia, việc tổ chức khám miễn phí cho các cháu ngay đầu hè, nhằm phát hiện sớm để điều trị sớm, giúp bệnh nhi có thể không phải phẫu thuật nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, còn những trường hợp phải mổ thì mổ sớm sẽ tránh được nhiều biến chứng nguy cơ về sau.

Làm thế nào để biết con mắc bệnh?

Để biết con có bị vẹo cột sống hay không, phụ huynh cần theo dõi con nếu mất cân đối của 2 bên cơ thể như vai, hông, hai tay, vai bên cao bên thấp, khi đứng thẳng tay chân không đều. Trong số các trẻ bị cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân thì tỷ lệ nữ là chủ yếu. Cứ 10 trẻ cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân tới bệnh viện khám thì có tới 9 trẻ là nữ.

Khi tắm cho trẻ, bố mẹ cần quan sát phía sau, cột sống của các con phải nằm trên 1 đường thẳng, nếu cong hình chữ C hoặc S, hoặc thấy 1 điểm gồ lên, lưng ngắn lại, là dấu hiệu gù cột sống, thì phải can thiệp sớm. Bố mẹ cũng có thể cho các cháu đứng thẳng, chạm 2 đầu gối, rồi cúi xuống. Nếu thấy 2 vai trẻ không cân bằng mà một bên bị gồ lên, thì đó là dấu hiệu vẹo cột sống.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức cho biết, việc phát hiện gù vẹo trẻ em sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng trầm trọng nêu trên.

Các bác sĩ sẽ có cách điều trị với gù vẹo tùy theo từng nhóm nguyên nhân, từng giai đoạn của bệnh. Với vẹo vô căn, bệnh nhân sẽ được theo dõi và có can thiệp vào thời điểm thích hợp. Nếu độ vẹo dưới 20 độ và bệnh nhân trong độ tuổi đang phát triển, các em sẽ được theo dõi định kỳ. Khi bệnh nhân vẹo 20-40 độ và trong độ tuổi xương đang phát triển thì cần mặc áo nẹp chỉnh hình. Tuy nhiên, rất ít trẻ thực hiện được việc này bởi những bất tiện và khó chịu khi mặc áo nẹp trong thời gian kéo dài. Bệnh nhân chỉ phải phẫu thuật để nắn chỉnh cột sống khi trẻ vẹo 40 độ. Lưu ý sau khi phẫu thuật, trẻ phải tới khám định kỳ để tránh biến chứng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, sàng lọc bệnh là quan trọng nhất trong điều trị cho cho trẻ. Khi cha mẹ, người thân phát hiện những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của trẻ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện sớm, đôi khi trẻ chỉ cần điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi học, tích cực tập vận động, đu xà, tích cực chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình…Việc điều trị sớm, kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng, ngăn chặn được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật