Cảnh báo nhiều người mắc sốt xuất huyết chuyển nặng vì tưởng bị Covid-19: Phân biệt thế nào?

27/05/2022 11:17:55

Do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân thường nhầm lẫn dấu hiệu ban đầu của COVID-19 và sốt xuất huyết dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng mới nhập viện điều trị.

Theo Trí Thức Trẻ đưa tin, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Bệnh nhân N.V.H (26 tuổi, tại Hà Nội) cho biết mình bị sốt cao đột ngột. Tuy nhiên, bệnh nhân nghĩ mình mắc Covid-19. Vì đã tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19, bệnh nhân nghĩ mình chỉ mắc Covid-19 nhẹ và nhanh khỏi. Tuy nhiên, tới ngày thứ 3, anh H vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều. Anh H đã tới bệnh viện Thanh Nhàn khám, kết quả anh mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm sâu.

Đối với bệnh nhân này, nếu đến muộn có nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Rất may bệnh nhân nhập viện kịp thời, được theo dõi để tránh những biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho hay Bệnh viện Thanh Nhàn đã ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết tới nhập viện. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần các bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng nặng.

Cảnh báo nhiều người mắc sốt xuất huyết chuyển nặng vì tưởng bị Covid-19: Phân biệt thế nào?
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Ảnh Ngọc Minh - Trí Thức Trẻ.

Nguyên nhân bệnh nhân tới viện khi đã chuyển nặng là do:

- Thứ nhất, bệnh nhân nghĩ mắc Covid-19 và tiêm 3 mũi vắc xin nên chủ quan. Khi sốt cao tới ngày thứ 3, bệnh nhân mới vào viện và tiểu cầu đã giảm sâu.

- Thứ 2, nhiều bệnh nhân tâm lý e ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Hường, một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, đường tiêu hoá.

Phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM) cho biết, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Cả hai bệnh có triệu chứng ban đầu khá giống nhau là sốt nhưng có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.

Cảnh báo nhiều người mắc sốt xuất huyết chuyển nặng vì tưởng bị Covid-19: Phân biệt thế nào? - 1

Về yếu tố dịch tễ và đường lây truyền

- Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây nên. Virus Dengue được truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti (gọi là muỗi vằn). Thời gian ủ bệnh thường trong vòng 5-7 ngày.

- Covid-19 do virus nCoV gây ra, lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc giao tiếp, tiếp xúc gần. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 14 ngày, trung bình từ 4-5 ngày tính từ khi có tiếp xúc với mầm bệnh.

Về triệu chứng

- Sốt xuất huyết: dấu hiệu là sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ trong 2-7 ngày liền; chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng. Người bệnh xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu. Các dấu hiệu của sốc như mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm, kẹp, hoặc không đo được, chi lạnh, bứt rứt...

Trong đó cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng theo mức độ nặng hay nhẹ. Nếu sốt xuất huyết mức độ nhẹ, người bệnh chỉ sốt, chưa có hoặc có kèm theo triệu chứng xuất huyết. Sốt xuất huyết mức độ nặng, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc hoặc sốc nặng như người bứt rứt, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp; huyết áp kẹt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.

Cảnh báo nhiều người mắc sốt xuất huyết chuyển nặng vì tưởng bị Covid-19: Phân biệt thế nào? - 2
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Covid-19: người bệnh sốt (trên 37,5 độ) hoặc ớn lạnh, mệt mỏi; ho, hụt hơi hoặc khó thở; đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người; mất vị giác hoặc khứu giác; ngạt mũi hoặc chảy nước mũi; buồn nôn hoặc nôn mửa; tiêu chảy.

Theo bác sĩ Khanh, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là do siêu vi nên giai đoạn đầu triệu chứng khá giống nhau, cả hai đều có sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu. Tuy nhiên, người mắc Covid-19 thường kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, đau họng, thở khó; trong khi sốt xuất huyết thường không kèm theo triệu chứng đường hô hấp mà sẽ có triệu chứng xuất huyết da niêm. Người bị sốt xuất huyết giai đoạn đầu sốt rất cao và ít đáp ứng với thuốc hạ sốt, thời gian này thường ít có triệu chứng kèm theo.

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, ví dụ như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.

- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.

- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.

- Với đối tượng trẻ em, không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp và những nơi tối, cây cối rậm rạp. Cần mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng bệnh.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật