Xiaoling qua đời sau 20 ngày điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, Sohu đưa tin.
Câu chuyện của Xiaoling đã được tái hiện trong một bộ phim tài liệu, thu hút sự chú ý lớn từ dân mạng, tạo nên cuộc thảo luận mạnh mẽ về quan điểm phổ biến "gầy là đẹp" và nạn bắt nạt học đường liên quan đến xu hướng này.
Theo lời kể của gia đình, nguồn cơn của việc Xiaoling giảm cân bất chấp là vì nam sinh mà cô thích thầm đã yêu một bạn nữ gầy hơn cô.
Gia đình phát hiện Xiaoling, khi đó nặng 47 kg, bắt đầu sụt cân từ tháng 8/2021. Đỉnh điểm, suốt 50 ngày kể từ mùng 3 Tết năm nay, cô đã không ăn mà chỉ uống nước lọc.
Người mẹ kể Xiaoling nặng nhất vào năm lớp 6, khoảng 52 kg. Sau khi lên cấp 2, cô bé bắt đầu yêu cầu gia đình không cho dầu vào đồ ăn của mình.
Cân nặng của cô giảm xuống đột ngột, Xiaoling nói với mẹ: "Con muốn sống, nhưng con không thể ăn nổi". Trong một năm rưỡi, cô thường xuyên tuyệt thực, cuối cùng chỉ uống nước mà không ăn gì.
Nhập viện ở Thâm Quyến vào tháng 3, Xiaoling cao 1,65 m nhưng chỉ nặng 24,8 kg, nhẹ hơn trẻ tiểu học. Cô bị suy dinh dưỡng nặng, suy hô hấp, rối loạn điện giải, teo não và đã bất tỉnh. Sau hơn 20 ngày nằm tại khoa Hồi sức tích cực, nữ bệnh nhân đã qua đời.
Theo Johns Hopkins Medicine, nguyên nhân của chứng chán ăn tâm thần vẫn chưa rõ ràng. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm thái độ xã hội, ảnh hưởng của gia đình, di truyền, mất cân bằng hóa chất trong não và các vấn đề phát triển.
Tin tức về cái chết của Xiaoling được tìm kiếm nhiều trên Sina Weibo. Nhiều cư dân mạng bày tỏ thương tiếc cho sự ra đi của một cô gái tuổi teen lẽ ra nên tận hưởng tuổi trẻ của mình. Họ cũng thảo luận về cách kiềm chế theo đuổi sắc vóc gầy gò, đồng thời thay đổi thái độ miệt thị ngoại hình của người khác.
Blogger thời trang Huini phàn nàn gu thẩm mỹ méo mó khiến cô khó có thể tìm thấy quần áo vừa vặn trên mạng. Huini cao 1,67 m và nặng 55 kg. Cô từng mặc cỡ M đến L nhưng bây giờ chủ yếu mặc XL và thậm chí cả XXL. Đôi khi thiết kế nhỏ đến mức không có cỡ cho Huini.
Một lần Huini đặt mua size L và thấy chiếc áo quá nhỏ so với mình, cô lập tức nghĩ mình tăng cân và nên ăn kiêng. Nhưng sau khi kiểm tra kích cỡ chi tiết, cô nhận ra nhà sản xuất chỉ may các cỡ XS, S và M và đặt tên là M, L và XL.
Huini chia sẻ: “Đó là một xu hướng tệ hại khi nhiều phụ nữ cho rằng họ quá to và chuyển sang chế độ ăn kiêng khắc nghiệt hoặc tập thể dục quá sức, điều này có hại cho sức khỏe”.
Theo JHM, chứng chán ăn tâm thần ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, thường bắt đầu trong những năm thiếu niên. Đây là tình trạng rối loạn ăn uống khi người bệnh hạn chế quá mức thức ăn đi kèm nỗi sợ hãi vô lý về tăng cân.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm chán ăn, không thèm ăn nhưng cũng có thể cuồng ăn rồi tìm cách đào thải thức ăn ngay (gây nôn), tập thể dục quá mức, đầy bụng, táo bón, suy kiệt, rối loạn kinh nguyệt, không quan tâm đến tình dục, trầm cảm, tụt huyết áp, thân nhiệt, phù nề.
PN (SHTT)