Xin chào bác sĩ, tôi đã áp dụng nhiều chế độ giảm cân nhưng không hiệu quả. Tôi đọc báo biết một chế độ ăn Eat clean giảm cân rất tốt nhưng đa phần là ăn dạng rau củ quả tươi. Bác sĩ tư vấn giúp tôi chế độ ăn này có tốt không? Nếu ăn nhiều rau củ sống dạng salad có hại gì cho cơ quan tiêu hóa hay không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Bùi Việt Hà -TP.HCM)
PGS.TS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:
Eat clean là một trong những cụm từ làm mưa làm gió thời gian gần đây. Nhiều người sử dụng trong việc giảm cân, thanh lọc cơ thể hay muốn hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và cân bằng.
Chế độ này có một số biến thể, tuy nhiên nhìn chung đây là cách thức ăn uống sao cho gần với trạng thái tự nhiên của thực phẩm nhất. Như vậy, phương pháp này có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe thông qua việc sử dụng thực phẩm giàu thành phần dinh dưỡng nhưng không bị chế biến quá mức. Thành phần thực phẩm của chế độ ăn Eat clean gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, không có chất bảo quản nhân tạo, hạn chế đường, chất béo bão hòa và chất béo trans.
Như vậy, chế độ ăn eat clean phù hợp với các lời khuyên về chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý phối hợp với các yếu tố lối sống khác như chế độ tập luyện, tránh các thói quen có hại như hút thuốc lá.... để có được lợi ích về sức khỏe tốt nhất.
Đối với các món salad, bạn lưu ý về lượng dầu ăn được sử dụng. Nữ nên dùng ít hơn 5 đến 6 muỗng cà phê dầu ăn mỗi ngày, đối với nam là nên dưới 6 đến 7 muỗng cà phê dầu ăn mỗi ngày.
Ở góc độ y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:
Eatclean là chế độ ăn được nhiều người lựa chọn trong đó đề cao giá trị dinh dưỡng thô của thực phẩm, khuyến khích ăn nhiều thực phẩm tươi, sống, ít qua chế biến bằng nhiệt.
Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rõ là ăn tươi sống không có nghĩa là sẽ nhận được nhiều dinh dưỡng nhất và cần lưu ý đến những mặt trái của nó. Nguy cơ lớn nhất là thiếu dinh dưỡng và ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus hoặc độc tố trong thực phẩm đó chưa được phá vỡ khi còn sống như các loại đậu có chứa saponin và legumin.
Ngoài ra, theo y học cổ truyền, ăn nhiều đồ sống lạnh sẽ làm tỳ vị hư hàn. Bụng thường kêu óc ách, ăn uống khó tiêu, hay trung tiện, đôi khi kèm theo tiêu chảy rất khó chịu, làm mất ngủ... Y học cổ truyền gọi là chứng bệnh “Tỳ vị hư hàn”, có nghĩa là tỳ vị yếu, lạnh. Tỳ vị là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi toàn bộ cơ thể. Vì nguyên nhân nào đó khiến tỳ vị suy yếu, làm cho cơ thể cũng như các phủ tạng khác bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến cơ thể suy kiệt.
Nếu áp dụng chế độ eat clean bạn cần nhớ các nguyên tắc dưới đây:
Rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước sạch. Các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, chén dĩa phải sạch sẽ nếu không đây sẽ là nguồn lây bệnh. Bàn tay của người làm bếp phải sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn virus vào thực phẩm.
Để ý tới phản ứng của cơ thể với chế độ ăn này, nếu thấy rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, đầy hơi, mất nước, trào ngược dạ dày... thì có thể bạn ăn quá nhiều đồ tươi sống, nên giảm bớt hoặc thay đổi chế độ ăn.
Đừng quá thần thánh và lạm dụng chế độ ăn này, phải hiểu là nó có những mặt trái của nó và chỉ phù hợp với bạn trong giai đoạn nào đó. Nếu ăn vì mục đích giảm cân khi thực sự bạn cần giảm cân vì lý do sức khỏe theo yêu cầu của thầy thuốc thì đó là sự hợp lý; nếu bạn tự ăn vì ám ảnh cân nặng hay mục đích ép cân hay giữ dáng thì phải xem lại.
Nên ăn uống đa dạng và rau củ tươi sống. Mỗi ngày một người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 phần rau củ và trái cây (với người trưởng thành, 1 phần rau củ, trái cây tương đương khoảng 80g), tương đương với 400g. Đây cũng là định mức được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) đưa ra. Y học cổ truyền cũng có lời khuyên cái gì thái quá thì sẽ bất cập, ăn nhiều đồ tươi sống sẽ làm hại tỳ vị.
Trong ăn uống và dinh dưỡng không nên chạy theo trào lưu. Nếu thấy cơ thể có vấn đề nên thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)