Hai gia đình bị Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con khi sinh 6 năm trước hiện vẫn chưa đổi lại con bởi một người mẹ chưa sẵn sàng chấp nhận sự thật. Đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết rất thông cảm với tâm lý người mẹ này, bởi chị đã nuôi nấng chăm sóc yêu thương bé từ ấy đến nay.
Tiến sĩ Trần Mai Hương, chuyên gia tâm lý học cũng rất chia sẻ với tâm trạng của người mẹ: “Tôi cũng làm mẹ và nếu tôi trong hoàn cảnh của chị ấy thì thực sự đau lòng”.
Bà Hương nói rằng, chơi với trẻ con vốn không hề dễ, hơn nữa việc nhận lại một đứa trẻ do mình sinh ra nhưng không nuôi nấng, không chăm sóc từ thuở lọt lòng, là một điều vô cùng khó khăn. Dù hai gia đình nhận lại con và dành hết mực sự yêu thương để bù đắp nhưng những đứa trẻ còn quá nhỏ và tâm lý của chúng không thể lập tức coi bố mẹ mới như bố mẹ cũ của mình được. Nhiều em bé trong trường hợp này còn tiến triển tâm lý buồn chán, không muốn nói chuyện hoặc đòi về nhà cũ.
Theo tâm lý của trẻ nhỏ, gia đình gắn bó từ thuở lọt lòng với các bé như một chân lý. Khi các em nhận ra bố mẹ đẻ của mình là một người khác, giống như tâm lý bị sụp đổ. Việc đổi lại con sẽ làm các cháu có cảm giác mình bị bố mẹ bỏ rơi. "Các em còn quá nhỏ nên chưa thể hiểu hết việc đâu mới là bố mẹ ruột của mình", tiến sĩ Hương phân tích.
Hơn nữa, bối cảnh sống cũng như cách giáo dục của hai gia đình chắc chắn khác nhau, trẻ sẽ mất thời gian để hòa nhập. Có những gia đình cho rằng yêu thương là quan tâm nhau thật nhiều, nhưng cũng có gia đình quan điểm yêu thương là mang lại cho nhau cuộc sống đầy đủ.
"Cho nên dù bù đắp về kinh tế hay tình cảm, gia đình cũng cần hết sức tinh tế, nếu không các cháu sẽ cảm thấy sợ hãi”, bà Hương nói. Tâm lý của trẻ lúc này đã bị tổn thương quá nhiều, nếu gia đình mới không quan tâm được như gia đình cũ, trẻ sẽ có cảm giác không ai cần mình, rất dễ dẫn đến tổn thương, tự kỷ.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Hương Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý, tình cảm gia đình tổng đài 19006670 cho rằng, đối với sự thật này, trẻ con mặc dù lúc đầu bị bất ngờ và tổn thương nhưng do còn quá nhỏ nên rồi sẽ quen dần. Điều đầu tiên gia đình cần làm khi nhận lại con là tôn trọng những nguyện vọng của trẻ, nên cho bé về nhà cũ chơi với bố mẹ nuôi và họ hàng. Dần dần, bố mẹ mới nên nói chuyện để bé hiểu.
Theo bà Lan, một trở ngại không nhỏ khác chính là vấn đề tâm lý của người lớn. Nuôi nấng đứa con tuy không phải do mình sinh ra, bố mẹ thấu hiểu từng thói quen, từng nếp sinh hoạt và dành nhiều tình cảm cho bé. Trao bé lại cho một gia đình khác là điều mất mát và tổn thương tinh thần, kể cả khi nhận lại đứa con ruột thịt của mình.
"Gia đình cần hết sức bình tĩnh, nên đón nhận lại con ruột một cách vui vẻ và đầm ấm nhất. Trong thời gian này, hai gia đình cũng nên thường xuyên gặp gỡ để có những mối giao kết, giúp cho hai cháu nhỏ không bị bỡ ngỡ", bà Lan khuyên hai gia đình bị trao nhầm con 6 năm ở Hà Nội.
Bà Lan cho rằng những tổn thương tinh thần của trẻ nhỏ rất dễ hình thành ở chúng tâm lý bị phản bội nếu gia đình cũ không dành sự quan tâm và yêu thương như lúc đầu. Vì vậy, dù nhận lại con, gia đình càng cần bù đắp tình cảm cho cả hai bên chứ không riêng gì bù đắp cho con đẻ của mình.
6 năm trước, sáng 1/11/2012, vợ anh Sơn sinh con tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Sau sinh, khi nhận con, vợ chồng anh nghi ngờ nhầm tã lót của bé nên hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định đây là tã lót của cháu, không có chuyện nhầm.
Từ đó tới nay, gia đình anh Sơn luôn yêu thương nuôi dưỡng bé trai như con đẻ của mình. Tuy nhiên, bé càng lớn, vợ chồng anh càng thấy con có nhiều nét không giống mình. Đưa con đi xét nghiệm ADN, anh Sơn bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ.
Bệnh viện đã xác định gia đình chị Hương cũng ở Ba Vì, có khả năng cao bị trao nhầm con với gia đình anh Sơn. Hai bên đã làm xét nghiệm ADN từ giữa tháng tư, kết quả khẳng định có sai sót trao nhầm con. Tuy nhiên từ đó đến nay hai gia đình vẫn chưa tiến hành trao đổi hai bé do chị Hương chưa sẵn sàng chấp nhận sự thật này.
Theo Thúy Quỳnh (VnExpress.net)