Vụ bệnh viện trao nhầm con 6 năm mới phát hiện: Kết quả xét nghiệm ADN không đủ pháp lý

12/07/2018 15:03:25

Theo Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì, kết quả xét nghiệm ADN vụ trao nhầm con ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì chỉ là một văn thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý.

Vụ bệnh viện trao nhầm con 6 năm mới phát hiện: Kết quả xét nghiệm ADN không đủ pháp lý
Ông Nguyễn Ngọc Vinh.

Phía người mẹ vẫn chưa đồng ý

Trao đổi với PV vào sáng 12/7, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, sau buổi làm việc 3 bên gồm hai gia đình bị trao nhầm con trai cách đây 6 năm và bệnh viện vào ngày 14/4/2018, đến nay, chưa có buổi làm việc nào khác được tổ chức.

Theo ông Vinh, sau khi phát hiện sự việc trao nhầm con, gia đình anh Phùng Giang Sơn tương đối sốt ruột vì chuẩn bị vào năm học mới của các cháu nhưng chị Vũ Thị Hương vẫn chưa sẵn sàng.

"Ngay từ đầu, bệnh viện đã xác định rõ trách nhiệm và trao đổi với anh Sơn, chị Hương về việc các cháu đoàn tụ là phải chính từ hai gia đình.

Chúng tôi cũng nói rõ, kể cả không thống nhất được mức độ bồi thường thì cứ cho các cháu đoàn tụ xong rồi khiếu kiện cũng không sao, bệnh viện sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Chúng tôi muốn hòa giải về mặt tâm lý tình cảm cho êm đẹp nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện được", ông Vinh nói.

Vụ bệnh viện trao nhầm con 6 năm mới phát hiện: Kết quả xét nghiệm ADN không đủ pháp lý - 1
Cổng chính của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì.

Vị Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho hay, sau nhiều lần gặp gỡ nhưng chưa tìm được tiếng nói chung và do quá sốt ruột nên anh Sơn đã có đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Ba Vì nhờ tòa phân xử.

Phía bệnh viện sau đó, đã có công văn gửi sang Tòa án để hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến đơn của anh Sơn.

"Theo tôi được biết, phía Tòa án đã 3 lần mời các bên đến tiến hành thủ tục hòa giải nhưng chị Hương thường xuyên vắng mặt, chính vì vậy chưa giải quyết được.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với các gia đình là cần giải quyết tình cảm, hòa giải trước vì các cháu, còn bước đường cùng mới phải nhờ đến Tòa án can thiệp, phân giải. Tuy nhiên, hiện nay, các cháu vẫn chưa nhận được bố mẹ đẻ và chủ yếu lý do vẫn từ phía chị Hương", ông Vinh nêu.

Về vấn đề bồi thường, ông Vinh cho rằng, hai gia đình chưa đưa ra nhưng trong sự việc này, tổn thất chính là về mặt tinh thần khó "cân đong, đo đếm được", vì vậy, cần thỏa thuận.

Vụ bệnh viện trao nhầm con 6 năm mới phát hiện: Kết quả xét nghiệm ADN không đủ pháp lý - 2
Hồ sơ bệnh án của hai cháu bé bị trao nhầm.

"Quan trọng hơn cần có sự hòa giải, ngồi lại với nhau và lớn nhất, phải đồng thuận về mặt tình cảm còn nếu căng thẳng đưa ra pháp luật sẽ mất nhiều thời gian hơn", ông Vinh nói thêm.

Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì khẳng định, đây là sai sót nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại bệnh viện trong hàng chục năm qua. 

Theo ông Hùng, sau khi phát hiện sự việc đến nay, đơn vị đã làm hết mình trong việc giúp hai cháu về gia đình.

"Tuy nhiên, vướng mắc chính ở đây là gia đình chị Hương gần như không hợp tác trong việc trao trả con cho nhà anh Sơn. Đồng thời, có một số đề nghị chúng tôi không thể chấp nhận được", ông Hùng nói.

Tòa luôn mong các bên có thể hòa giải

Trong sáng 12/7, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thưởng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì xác nhận, đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn gửi đến đề nghị giải quyết sự việc trao nhầm con.

Vụ bệnh viện trao nhầm con 6 năm mới phát hiện: Kết quả xét nghiệm ADN không đủ pháp lý - 3
Biên bản buổi làm việc giữa các bên vào ngày 14/4.

"Phía chúng tôi vẫn luôn mong các bên có thể hòa giải với nhau, tránh kiện tụng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các cháu. Còn nếu nhất quyết phải đưa ra tòa thì chúng tôi sẽ làm đúng theo quy định pháp luật", ông Thưởng nói.

Cũng theo ông Thưởng, thời điểm hiện tại, tòa cũng vẫn chưa thể xử lý sự việc này vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.

Cụ thể, trước đây, hai vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị.

"Bởi vậy, muốn đưa sự việc này ra tòa giải quyết, chúng tôi phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu.

Một vấn đề nữa, đó là kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý. Vì thế, đơn vị xét nghiệm phải đưa ra kết luận khẳng định kết quả này là đúng, chúng tôi mới có căn cứ để xử lý", ông Thưởng nói.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, Sở đã chỉ đạo ngay Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì báo cáo vụ việc và được biết, hiện đơn vị cũng đang gặp một số vướng mắc cần giải quyết.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)