Ai cũng biết rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe vì không ít người có thói quen hại dạ dày mà không biết. Thói quen ăn uống của chúng ta đóng một vai trò quan trọng vì chúng có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng.
Ngược lại, nhiều người vì bận rộn nên đã hình thành thói quen vừa đi vừa ăn, vừa ăn vừa làm việc, vừa ăn vừa nghịch điện thoại... Điều ấy vô tình làm hại đến dạ dày, cản trở quá trình tiêu hóa và tích tụ độc tố trong cơ thể. Dưới đây là một số thói quen trên bàn ăn mà bạn nên tránh.
4 thói quen hại dạ dày của người Việt
- Vừa ăn cơm vừa ăn canh
- Vừa ăn cơm vừa nói chuyện
- Vừa ăn vừa dùng điện thoại
- Vừa ăn vừa uống rượu, hút thuốc
1. Vừa ăn cơm vừa ăn canh là thói quen hại dạ dày đầu tiên
Với người Việt Nam, một bữa cơm đầy đủ về mặt dinh dưỡng cần có đủ món mặn, món rau và món canh. Tuy nhiên, thói quen vừa ăn cơm vừa chan canh thật sự rất nguy hiểm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) dù lúc ăn cơm, cơ thể cần có nước bọt để có thể hỗ trợ tiêu hóa.
Thế nhưng, nếu chan canh vào cơm thì lượng nước trong thức ăn lại trở nên quá nhiều, đồ ăn sẽ bị đẩy xuống dạ dày quá nhanh mà không được nghiền kỹ. Khi đó, hệ tiêu hóa sẽ phải hoạt động nhiều hơn để xử lý, thói quen này sẽ gây hại cho dạ dày, vô tình làm hại cơ thể.
Để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tốt nhất mỗi người nên uống nước hoặc nước canh trước khi ăn 30 phút.
2. Vừa ăn cơm vừa nói chuyện
Bữa cơm là lúc cả gia đình quây quần và trò chuyện, nhưng thói quen này lại có thể gây hại cho dạ dày. Nói chuyện trong khi ăn sẽ khiến cho thức ăn chưa được nghiền kỹ trong miệng đã được nuốt xuống dạ dày. Hơn nữa, vừa ăn vừa nói sẽ vô tình làm văng các giọt bắn trong miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan.
Tiến sĩ Manoranjan Mohapatra (một chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ) cũng cảnh báo: Nếu bạn vừa ăn vừa nói, cổ họng của bạn sẽ phải cố gắng làm hai việc cùng một lúc, đó là nuốt thức ăn vào và truyền âm thanh/không khí ra bên ngoài. Vì bạn đang cố gắng làm hai việc trên có thể tăng khả năng nghẹt thở, nghẹn thức ăn".
Vì vậy trong bữa cơm, chuyên gia khuyến cáo các gia đình nên hạn chế nói chuyện, nên tập trung nhai kỹ, nuốt chậm.
3. Vừa ăn vừa dùng điện thoại
Điện thoại di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay, nhiều gia đình thường vừa ăn vừa bấm điện thoại để giải quyết mà ít khi để ý đến những tác hại khôn lường của chúng.
Dùng điện thoại trong khi ăn trước hết sẽ gây hại dạ dày. Đã có nghiên cứu chứng minh, vừa ăn vừa dùng điện thoại sẽ làm phân tán khả năng chú ý, ảnh hưởng đến sự tiết axit dạ dày và tiết enzyme, khiến cho thức ăn không thể tiêu hóa hoàn toàn. Thói quen này làm rối loạn hệ thống tiêu hóa, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe dạ dày.
Chưa kể, sử dụng điện thoại trong bữa cơm còn khiến bạn tăng cân nhiều hơn. Theo chuyên gia Márcio Gilberto Zangeronimoa (Đại học Liên bang Lavras ở Brazil và Trung tâm Y tế Đại học Utrecht ở Hà Lan), cho biết: "Sử dụng điện thoại thông minh trong bữa ăn làm tăng lượng calo và chất béo. Nguyên nhân bởi khi ăn chúng ta bị phân tâm, não mất tập trung để biết cơ thể đã no chưa, lượng thức ăn đã đủ hay chưa, từ đó khiến lượng calo nạp vào luôn lớn hơn mức nhu cầu".
4. Vừa ăn vừa uống rượu, hút thuốc
Trong bữa ăn, nhiệt độ của cơ thể tăng nhanh và việc lưu thông máu trở nên nhanh hơn. Tại thời điểm này, hút thuốc sẽ ức chế sự tiết protein và bicarbonate, cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và cũng có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa, dẫn đến rối loạn chức năng đường tiêu hóa và thậm chí gây ra các bệnh đường tiêu hóa mãn tính khác nhau.
Bên cạnh đó, uống rượu trong mâm cơm cũng rất nguy hiểm. Cồn làm cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, làm tổn hại tới dạ dày, gây ra loét dạ dày và thậm chí có thể gây ra ung thư dạ dày.
Theo Tiểu Vy (Nhịp Sống Việt)