Thói quen ngủ trưa của người Việt được tiến sĩ Úc khen hết lời, kêu gọi làm theo

29/03/2021 14:51:56

Ngủ trưa là thói quen của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Và mới đây, một tiến sĩ người Úc đã hết lời khen ngợi thói quen này.

Đài SBS của Úc vừa đăng tải một bài viết về lợi ích của thói quen ngủ trưa trên website sbs.com.au.

Theo đó, thói quen ngủ trưa là một truyền thống ở nhiều quốc gia Nam Âu, Nam Mỹ, thường được gọi là siesta (có nghĩa là ngủ ngắn trong tiếng Tây Ban Nha).

Thực tế, ngủ trưa còn là thói quen phổ biến ở một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam.

Bước vào một văn phòng làm việc ở Việt Nam vào giờ nghỉ trưa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng nhân viên ngủ trưa trên ghế làm việc hoặc dưới sàn nhà. Nhiều người nói rằng ngủ trưa giúp họ làm việc tốt hơn, tinh thần tỉnh táo hơn vào buổi chiều.

Thói quen ngủ trưa của người Việt được tiến sĩ Úc khen hết lời, kêu gọi làm theo
Thói quen ngủ trưa là một truyền thống ở nhiều quốc gia Nam Âu, Nam Mỹ, thường được gọi là siesta (có nghĩa là ngủ ngắn trong tiếng Tây Ban Nha). (Ảnh minh họa)

Con người được ‘lập trình’ để ngủ trưa

Theo SBS, rất tiếc là nhiều người Úc không có thói quen ngủ trưa ngắn. Ít có công ty nào ở Úc cho phép nhân viên ngủ ngắn sau khi ăn trưa.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Moira Junge, nhà tâm lý học và phát ngôn viên của Tổ chức Sức khỏe Giấc ngủ (Úc), ủng hộ thói quen ngủ trưa và tin rằng tất cả người Úc có thể khỏe mạnh hơn một chút nếu noi gương các quốc gia có truyền thống ngủ trưa, chiều theo nhịp điệu tự nhiên của cơ thể.

"Chúng ta đều trải qua giai đoạn uể oải sau bữa trưa: sự tỉnh táo giảm rõ rệt và sự buồn ngủ tăng lên", tiến sĩ Junge nói với SBS.

"Tất cả chúng ta đều được lập trình để cần một giấc ngủ ngắn sau bữa trưa nhưng hầu như không ai có được một giấc ngủ trưa".

Thói quen ngủ trưa của người Việt được tiến sĩ Úc khen hết lời, kêu gọi làm theo - 1
Nhiều người Úc không có thói quen ngủ trưa ngắn. Ít có công ty nào ở Úc cho phép nhân viên ngủ ngắn sau khi ăn trưa. (Ảnh minh họa)

Ngủ trưa có liên quan đến sự thay đổi hormone trong cơ thể và là một phần của nhịp sinh học, theo Junge.

"Có nhiều thí nghiệm được thực hiện ở điều kiện giống như hang động trong nhiều ngày, nơi không có đồng hồ, ánh sáng hoặc tín hiệu khác về môi trường. Người tham gia thí nghiệm chỉ sống với một số thiết bị cần thiết và họ vẫn ngủ từ 11 giờ đêm đến 5-6 giờ sáng, và sau đó họ lại cảm thấy buồn ngủ vào buổi chiều", tiến sĩ Junge nói.

Bữa trưa kích thích nhu cầu ngủ ngắn

Junge nói rằng tất cả con người sẽ trải qua thời gian buồn ngủ sau bữa trưa bất kể họ đã ăn trưa hay chưa. Tuy nhiên, nếu bạn ăn trưa, thành phần dinh dưỡng trong có thể khiến bạn càng muốn ngủ trưa hơn.

Tiến sĩ nói: "Một số nghiên cứu cho thấy ăn một bữa ăn nhiều carb sẽ khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hơn. Trong khi đó, các bữa ăn nhiều protein giúp bạn tỉnh táo và nhạy bén hơn và ít có xu hướng buồn ngủ hơn.

"Từ những nghiên cứu được thực hiện trên tài xế chuyên nghiệp, các nhà khoa học khuyến cáo những người lao động này không nên ăn pasta vào bữa trưa vì họ sẽ cảm thấy buồn ngủ hơn nhiều, đặc biệt là vào buổi chiều.

"Đó là lý do tại sao thời gian cao điểm xảy ra tai nạn đường bộ là 2:30-4:00 chiều, cũng như từ nửa đêm đến 5 giờ sáng".

Thói quen ngủ trưa của người Việt được tiến sĩ Úc khen hết lời, kêu gọi làm theo - 2
"Tất cả chúng ta đều được lập trình để cần một giấc ngủ ngắn sau bữa trưa", theo tiến sĩ Junge.

Tương tự, một nghiên cứu của Đại học Manchester (Anh) cũng cho rằng thức ăn chúng ta ăn vào bữa trưa góp phần thúc đẩy nhu cầu ngủ trưa của con người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Neuron vào năm 2006 cho thấy glucose (đường trong thức ăn) ngăn các tế bào não tạo ra các tín hiệu giúp chúng ta tỉnh táo và minh mẫn.

Glucose ức chế các tế bào thần kinh tạo ra các protein nhỏ gọi là orexin, chịu trách nhiệm điều chỉnh trạng thái ý thức bình thường của chúng ta.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Denis Burdakov, cho biết: "Điều này có thể giải thích rõ tình trạng mệt mỏi sau bữa ăn và tại sao bạn khó ngủ khi đói".

Ngủ trưa tăng cường sức khỏe

Cho dù nhu cầu ngủ trưa xuất phát từ điều gì đi chăng nữa, thì chúng ta thường đều thèm ngủ một cách tự nhiên sau bữa trưa.

Nếu bạn bị thiếu ngủ hoặc không có giấc ngủ chất lượng vào ban đêm, bạn có thể gặp phải các vấn đề liên quan đến ăn uống, và giấc ngủ trưa có thể giúp giải quyết điều này.

Thói quen ngủ trưa của người Việt được tiến sĩ Úc khen hết lời, kêu gọi làm theo - 3
(Ảnh minh họa)

Junge giải thích: "Chúng tôi biết rằng ngủ đủ giấc sẽ giúp cho các hormone - ghrelin và leptin – điều chỉnh sự thèm ăn và cảm giác no. Những người thiếu ngủ sẽ có nguy cơ cao nhất bị rối loạn hormone, bao gồm cả những hormone khiến bạn cảm thấy đói và no.

"Giấc ngủ trưa có ý nghĩa hỗ trợ giấc ngủ nói chung. Nếu bạn cảm thấy mình không ngủ đủ giấc, hãy chợp mắt và điều này sẽ có ích cho sức khỏe của bạn. Về cơ bản, nếu bạn bị thiếu ngủ và sau đó chợp mắt, bạn sẽ nạp thêm tín dụng ngủ vào ngân hàng sức khỏe của bạn.

"Ngủ trưa sẽ không bao giờ thay thế được chức năng của việc ngủ đủ giấc vào ban đêm. Nhưng vì bất cứ lý do gì, nếu bạn không ngủ đủ giấc, thì chợp mắt buổi trưa luôn là một ý kiến hay".

Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật