Từ lâu, món lẩu là món ăn ưa thích của rất nhiều người Việt, nhất là trong những ngày trời lạnh. Một nồi lẩu có thể là cái "cớ" để gia đình quây quần, hội tụ. Bạn có thể chọn đa dạng thực phẩm, có thể phục vụ nhu cầu và sở thích của nhiều người.
Thân thuộc và phổ biến đến vậy nhưng có không ít thói quen khi ăn lẩu tưởng chừng rất bình thường lại có thể khiến sức khỏe của chúng ta gặp tổn thương nghiêm trọng.
Rau nhúng lẩu kém chất lượng, chưa rửa sạch
Rau là nguyên liệu không thể thiếu để có một nồi lẩu hoàn hảo, vì vậy PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng có 2 nguyên tắc cần đảm bảo trước khi ăn lẩu đó là: Phải chọn được nguồn rau chất lượng và sau đó phải rửa rau thật sạch trước khi ăn.
Theo PGS, chúng ta nên mua rau ăn lẩu ở những nơi uy tín, hiện nay trên thị trường có bán một số loại rau được phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng... có thể gây ngộ độc cho người ăn. Sau khi mua rau sạch về cần bỏ rễ và rửa sạch bằng nhiều lần nước, ngâm kỹ bằng nước muối hoặc dung dịch rửa rau rồi mới sử dụng.
Các loại rau nhúng lẩu an toàn và phổ biến nhất là: Rau muống, rau cải ngọt, rau cải xoong, rau cải thảo, đậu phụ, nấm kim châm… Nên tránh mua những loại rau dễ gây ngộ độc, dị ứng như dọc mùng, nấm lạ, rau lạ, rau dại, lá môn ngứa.
Ăn lẩu tái
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo khi ăn lẩu tránh ăn tái. Nhiều người nghĩ thịt tái sẽ giàu dinh dưỡng và thơm ngon hơn nhưng việc nhúng qua loa trong nước sôi thì không thể tiêu diệt được hết ký sinh trùng bám trên thực phẩm, người ăn sẽ phải đối mặt với các bệnh về đường tiêu hóa.
Ngoài ra, chuyên gia cảnh báo quá trình sơ chế lẫn khi ăn cũng cần phân biệt rõ "chín ra chín, sống ra sống". Có riêng dao thớt, đũa cho từng loại đồ ăn chín và sống để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Lạm dụng nhiều viên nhúng lẩu như tôm viên, bò viên, cá viên...
Món lẩu ngày càng đa dạng về nguyên liệu hơn, ngày nay nhiều gia đình còn bổ sung các loại cá viên, bò viên... vào thực đơn của mình. Thịt viên dù có hương vị béo ngậy, thơm ngon nhưng bạn vẫn nên hạn chế sử dụng bởi loại thịt này khó kiểm định về nguyên liệu, thường được sản xuất từ nhiều loại thịt vụn trộn với nhau. Ngoài ra, thịt viên còn khó đảm bảo vệ sinh ở khâu chế biến và vận chuyển vì vậy tốt nhất gia đình bạn chỉ nên ăn thịt tươi sống, được mua từ những cửa hàng uy tín.
Ăn lẩu quá lâu và quá nhiều
Trả lời trên báo chí, PGS.TS Phạm Văn Hoan (Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam) từng cho biết thói quen ăn lẩu lai rai, vừa ăn vừa trò chuyện của người Việt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi việc ăn liên tục trong vài tiếng sẽ khiến dạ dày của chúng ta phải làm việc liên tục. Lúc này các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều để xử lý thức ăn. Có thể gây đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Chuyên gia khuyên chỉ nên ăn lẩu trong khoảng 2 tiếng trở lại, không nên ăn quá 1 lần/tuần.
Vội vàng cho thức ăn vào miệng khi còn quá nóng
Đồ ăn vừa được gắp ra từ nồi lẩu nóng hơn 100 độ C có thể sẽ nóng ở mức 50-60 độ C, nếu ngay lập tức được cho vào miệng rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản.
Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo nguy cơ khi tiêu thụ đồ uống, thực phẩm quá nóng. Theo WHO, việc sử dụng đồ ăn nóng trên 65 độ C cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng.
Bên cạnh đó, tiêu thụ các nồi lẩu cay nóng sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, làm hại sức khỏe. Các chuyên gia khuyên cách ăn lẩu an toàn nhất là: Gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ thưởng thức.
Ăn lẩu vị quá cay hoặc quá chua
Các loại lẩu chua cay luôn kích thích vị giác và giữ ấm cho cơ thể hơn. Tuy nhiên ăn quá chua cay có thể làm hại dạ dày và các cơ quan tiêu hóa. Nước lẩu quá chua cay sẽ tác động lên niêm mạc dạ dày , nhẹ thì đau dạ dày, nặng thì gây phù nề, xung huyết, viêm loét dạ dày.
Dùng nấm lạ khi ăn lẩu
Theo Trung tá, lương y Phạm Anh Đào: Nấm dù được nhiều người yêu thích trong món lẩu nhưng cần lưu ý không phải loại nấm nào cũng an toàn khi ăn và mọi người phải cẩn trọng khi tự ý hái nấm lạ về nhà ăn vì có thể gây ngộ độc. Thực tế đã cho thấy có nhiều trường hợp bị ngộ độc, tử vong do ăn nấm lạ vì vậy lương y Anh Đào khuyến cáo các gia đình không tùy tiện hái nấm lạ về ăn khi không có hiểu biết.
4 loại rau tuyệt đối không nên dùng khi ăn lẩu
1. Mồng tơi không nên ăn với lẩu bò
Món rau mồng tơi không chỉ xào, nấu canh ngon mà khi dùng nhúng lẩu cũng có vị ngọt, rất dễ ăn. Tuy nhiên, mồng tơi chỉ nên ăn cùng hải sản, riêu cua thường sử dụng mồng tơi ăn kèm sẽ rất hợp vị. Ngược lại, nếu bạn nấu lẩu bò thì đừng nên thêm mồng tơi vào rau ăn lẩu.
Bởi mồng tơi khi ăn cùng thịt bò rất dễ khiến bạn bị đau bụng, nhẹ thì đầy bụng, khó tiêu nặng có thể gây ra táo bón.
2. Giá đỗ không ăn cùng lẩu riêu cua bò
Giá đỗ cũng là loại rau ngon, giải nhiệt cho cơ thể vô cùng tốt. Món giá đỗ rất thông dụng trong các món xào, nấu canh và ăn sống. Giá đỗ lại nhanh chín nên để nhúng lẩu dường như là lựa chọn tuyệt vời. Nhưng với lẩu riêu cua, bạn không nên dùng giá đỗ để nhúng kèm bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất cao.
Lý do là do giá đỗ được nảy mầm trong nhiệt độ 30-35 độ C. Vì vậy trong giá đỗ có rất nhiều vi sinh vật, nếu không được rửa sạch đã ăn sống hoặc chỉ chần trong nước lẩu, sẽ rất dễ gây ách bụng, khó chịu.
3. Rau kinh giới kỵ ăn chung với lẩu gà
Theo y học cổ truyền món rau kinh giới có tính cay nóng, tân tán còn thịt gà lại thuộc phong mộc, có tính can ôn, nếu ăn chung kinh giới với thịt gà thì hai loại thực phẩm tương khắc này có thể khiến bạn chóng mặt, ù tai thậm chí run rẩy toàn thân, ngứa ngáy khó chịu. Nếu muốn cho kinh giới vào ăn lẩu, hãy kết hợp với các loại thịt, hải sản khác không phải gà.
Nhưng riêng với món lẩu gà, bạn nên ăn cùng bắp chuối, rau đắng, rau muống, bông súng, nấm tươi, ngải cứu là hợp vị nhất. Tuy nhiên, rau ngải cứu khi đã bỏ chung vào nồi lẩu gà cũng không nên cho phụ nữ có thai ăn, bởi dễ gây sảy thai.
4. Cà chua, khoai lang và khoai tây với lẩu hải sản
Khi ăn lẩu người ta hay cho cà chua, khoai lang, khoai tây là những món được nhiều người cho vào lẩu để tạo màu sắc đẹp, tạo vị cho nước lẩu một cách tự nhiên, không cần đến các gia vị tổng hợp khác. Thế nhưng, 3 loại của quả này lại là tối kỵ cho lẩu hải sản bởi khi ăn cùng nhau, bạn sẽ dễ bị khó tiêu, đau bụng và rối loạn tiêu hóa.
Lưu ý khi chọn rau nhúng lẩu
- Nên chọn những loại rau lành tính như rau muống, rau cải để kết hợp với lẩu.
- Nếu là lẩu gà thì nên ăn cùng rau ngải cứu, rau cải xanh, rau muống, bắp chuối, nấm...
- Lẩu riêu cua nên ăn kèm rau chuối, hoa chuối thái mỏng, rau muống chẻ, các loại rau sống và rau ăn khác.
- Lẩu vịt thì nên chọn rau muống đã bỏ bớt lá và rau ngổ.
- Lẩu bò sẽ ngon và bổ hơn khi sử dụng rau cần, hành tây, khoai môn... ăn kèm.
PN (Nguoiduatin.vn)