Khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang trải qua giai đoạn nồm ẩm kéo dài, với độ ẩm không khí tăng cao, kèm theo mưa phùn, sương mù.
Bên cạnh những trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như mưa phùn khiến di chuyển khó khăn, giao thông ùn tắc, sương mù khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao... thời tiết nồm ẩm còn nấm mốc, vi nấm phát triển rất nhanh khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, tái phát các cơn hen suyễn.
Nấm mốc gây nguy hiểm cho sức khỏe con người như thế nào?
Theo Dân Trí, nấm mốc là chất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê trong danh sách những chất gây ung thư hàng đầu, độc gấp 68 lần so với asen (thạch tín).
Chúng thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp, chủ yếu là xung quanh vòi hoa sen, máy rửa bát, máy giặt, trong phòng bếp... hoặc tại những khu vực có điều kiện sống ẩm thấp.
Song vào mùa xuân, khi độ ẩm trong không khí tăng cao và tình trạng nồm ẩm xảy ra ở gần như mọi nơi, nấm mốc càng trở nên nguy hiểm hơn, và cần được phát hiện sớm trước khi chúng sinh sôi quá mạnh.
Nấm mốc sinh sản bằng cách tự phân đôi, tạo ra các bào tử và phát tán vào không khí. Đây cũng là thành phần chủ yếu của bụi trong nhà, nơi làm việc.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khi con người liên tục tiếp xúc với môi trường nấm mốc trong một thời gian dài, sẽ rất có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí gây tử vong.
Nhóm người có nguy cơ lớn gặp vấn đề về sức khỏe do ẩm mốc là trẻ em, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Người mắc một số bệnh như xơ nang, viêm phổi mạn tính có thể bị nhiễm trùng hệ miễn dịch nếu hít phải một số loại nấm mốc nhất định.
Khi hít phải nấm mốc, cơ thể có phản ứng tương tự như hít phải bụi, phấn hoa,... Các bào tử nấm mốc hình thành với số lượng lớn sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như dị ứng, bệnh hô hấp với các triệu chứng như hắt hơi, nhức ngứa mắt, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp, nổi mề đay, ho, hen suyễn, buồn nôn...
Một số loại nấm mốc còn sản sinh ra độc tố mycotoxin - gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người và động vật. Tiếp xúc với độc tố mycotoxin với nồng độ cao có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Nấm mốc thường trú ở khắp nơi trong nhà
Nấm mốc sống được trong cả môi trường nhiệt độ cao và ẩm ướt. Do đó, phòng tắm là nơi dễ dàng trở thành nơi trú ngụ của nấm mốc. Nó có thể xuất hiện ở các góc tường, khớp gạch, rèm phòng tắm...
Bên cạnh phòng tắm, khu bếp cũng là nơi thường xuyên có sự xuất hiện của nấm mốc, điển hình như trong bồn rửa, khay chứa rác, hay bên trong các tủ bếp, chạn bếp…
Ngoài ra, cửa tủ lạnh cũng là một vị trí ưa thích của nấm mốc. Khảo sát của Đại học Arizona cho thấy xác suất phát hiện nấm mốc trong vòng đệm của cửa tủ lạnh là 83%. Mỗi lần cửa tủ lạnh được mở, phạm vi phát triển của nấm mốc lại được lan rộng.
Ngăn ngừa và xử lý nấm mốc
Đối với quần áo: Không nên phơi lâu ngoài trời sau khi giặt, vì càng phơi lâu càng ẩm. Chỉ nên phơi vừa đủ se bề mặt rồi dùng máy để sấy. Có hai loại máy sấy: Một loại giống như máy giặt dùng để sấy quần áo sau khi giặt; một loại để sấy quần áo sau khi phơi. Loại thứ hai bán rất sẵn trên thị trường với giá vài trăm nghìn mỗi chiếc, vừa túi tiền lại dễ sử dụng. Nếu máy giặt có chức năng sấy thì giặt rồi sấy luôn. Đối với quần áo trong tủ, nên đặt vào các hộp chống ẩm nhằm chống ẩm mốc.
Đối với thực phẩm, thức ăn: Không để bên ngoài vì thức ăn là nơi nấm mốc rất dễ phát triển. Khi chế biến hay dùng (ăn) xong, nên cất vào tủ lạnh.
Đối với đồ dùng nhà bếp: Sau khi rửa nên tráng bằng nước nóng để diệt khuẩn. Nếu có máy rửa bát (có chức năng rửa nước nóng) hay máy sấy bát thì càng tốt.
Đối với đồ điện tử: Nên sử dụng thường xuyên hoặc để chế độ chờ (stand by), không tắt hoàn toàn vì độ ẩm có thể ảnh hưởng gây hỏng các mạch điện tử. Các đồ điện tử nhỏ như máy ảnh, điện thoại, tablet nếu không sử dụng thường xuyên hãy cho vào hộp/tủ chống ẩm.
Thường xuyên quan sát những nơi, chỗ dễ có nấm mốc phát triển để ngăn ngừa kịp thời như chân tường, tủ quần áo, gầm tủ bếp, bề mặt sofa vải...
Nếu đã có nấm mốc xuất hiện, có thể xử lý bằng cách đơn giản sau: Lau rửa, xịt bề mặt bị nấm mốc bằng các loại dung dịch có khả năng tiêu diệt nấm mốc và kháng khuẩn như nước javen, giấm, baking soda... Ngoài ra có thể sử dụng thuốc tẩy nấm mốc chuyên dụng dạng bình xịt, trên thị trường có giá từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng, tùy loại.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe khi trời nồm?
Với thời tiết mưa phùn, nồm ẩm như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo, để giữ gìn sức khỏe tốt cho mọi người, cần tuân thủ một số việc làm sau:
- Cố gắng giữ nhà cửa khô ráo: Khi nhà bị "đổ mồ hôi" không nên lau bằng khăn ướt mà dùng khăn khô lau để lau, việc này giúp nhà khô ráo hơn. Nếu có điều kiện, nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo trong nhà.
- Với những gia đình có trẻ nhỏ, những vật dụng trẻ hay tiếp xúc thường xuyên như bình sữa, đồ chơi, nôi ngủ, quần áo… cần được giữ sạch sẽ, sấy khô để loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh thảm, sofa, chăn gối để loại bỏ các nấm mốc.
- Sấy, là thật khô quần áo trước khi mặc để tránh nhiễm lạnh và mắc các bệnh về dị ứng, da liễu.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách. Đồ ăn thừa cần bảo quản trong tủ lạnh. Các loại hạt cần bảo quản trong hộp kín, rau củ quả bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi khô ráo, tránh mọc mầm, biến chất tăng nguy cơ gây độc khi ăn.
PN (Nguoiduatin.vn)