Tia Ivy, 40 tuổi, hiện đang sống tại vùng đông bắc Ohio, Mỹ. Cô là một nhân viên tư vấn sức khỏe tại nhà và thường sử dụng các trang mạng xã hội để giúp đỡ những phụ nữ đang phải vật lộn với viêm tuyến mồ hôi mủ (HS), một bệnh về da mãn tính hiếm gặp.
Vào khoảng năm 2010-2011, Tia bắt đầu nhận thấy các nốt sần xuất hiện ở nách và sau đó lan sang các vùng khác trên cơ thể. Mãi đến năm 2017, bác sĩ mới kết luận người phụ nữ này mắc HS. Kể từ đó, cô đã tích cực tham gia các hoạt động nhằm giúp mọi người hiểu thêm về triệu chứng và dấu hiệu nhận biết căn bệnh này. Dưới đây là những lời chia sẻ của Tia về hành trình vật lộn với bệnh về da mãn tính và bài học kinh nghiệm đạt được:
Dấu hiệu đầu tiên
Tôi dậy thì vào năm 10 tuổi và hai năm sau, mụn trứng cá bắt đầu bùng phát trên mặt. Tôi đã thử mọi thứ, từ dùng kem trị mụn đến thuốc nhưng đều không mang lại hiệu quả.
Khi bước qua tuổi dậy thì và tình trạng này có xu hướng đỡ hơn một chút, tôi nhận ra mụn bắt đầu xuất hiện ở đùi và vùng dưới cánh tay. Trên thực tế, đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng cho tới năm tôi 20 tuổi. Chúng gây đau đớn đến mức tôi phải đến phòng cấp cứu. Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và cho rằng đây có thể là nhiễm khuẩn tụ cầu. Tôi trở về nhà sau khi được bác sĩ yêu cầu dùng xà phòng để diệt khuẩn. Không một ai khuyên tôi nên đến gặp bác sĩ da liễu.
Vào thời điểm đó, khi mụn trứng cá bùng phát, tôi lại không thể ngủ ở một số tư thế nhất định vì đau. Mỗi lần quần cọ xát với da lại khiến mụn chảy máu. Tôi tiếp tục chịu đựng như vậy mà không biết bản thân có lẽ sẽ phải đối mặt với những cơn đau này đến suốt đời.
Phát hiện muộn màng
Sau đó, bốn năm trước, tôi đi khám một bác sĩ khác và cô ấy kết luận mụn xuất hiện là do bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ, một bệnh tự miễn gây ra các cục u hình thành trên da và gây đau. Bác sĩ cũng nhấn mạnh tình trạng này thường bị chẩn đoán sai trong giai đoạn đầu vì triệu chứng giống với nhiều vấn đề sức khỏe khác. Dù sốc, tôi cảm thấy may mắn vì đã tìm đến đúng người và biết được mình đang mắc bệnh gì.
Bác sĩ ngay lập tức kê thuốc bôi và thuốc kháng sinh với hy vọng có thể cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đối mặt với những cơn đớn từ cục u ở đùi và nách.
Lựa chọn phẫu thuật
Để giải quyết các cục u một lần và mãi mãi, tôi đã quyết định làm phẫu thuật cả hai đùi vào năm 2018. Quá trình hồi phục đầy khó khăn và để lại một vết sẹo rất dài. Dù vậy, tôi thực sự vui vì mình đã vượt qua. Tôi tiếp tục làm phẫu thuật nách trái trong năm 2019 và vào mùa thu năm ngoái, trong đợt đại dịch, tôi phẫu thuật nách phải.
Hiện tại tôi cảm thấy đỡ hơn khá nhiều. Dù để lại những vết sẹo xấu xí, phẫu thuật đã giúp tôi không lo bị kích ứng khi mặc áo sơ mi và dùng chất khử mùi. Tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm về mặt tinh thần vì biết được rất nhiều kiến thức liên quan đến HS trong bốn năm qua. Tôi không còn mất phương hướng như trước đây. Tôi đã sẵn sàng để bắt đầu quá trình chữa bệnh và tập trung nhiều hơn vào việc vận động, giúp đỡ những người cũng đang phải đối mặt với tình trạng này.
Tôi mong muốn tăng thêm nhận thức của cộng đồng về tình trạng này và giúp đỡ càng nhiều người càng tốt. Trên thực tế, không ít người nghĩ chế độ ăn uống và thói quen sống là lý do khiến tôi phải đối mặt với HS. Mặc dù có thể làm trầm trọng thêm bệnh, các yếu tố lối sống không thể gây ra tình trạng này.
Mục tiêu của tôi bây giờ là tập trung vào việc hỗ trợ cộng đồng người mắc HS bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là khi ai đó gửi tin nhắn cảm ơn vì đã tư vấn cho họ về căn bệnh này.
Theo Nhung Mai (Pháp Luật & Bạn Đọc)