Vốn là khỏe mạnh, ít rất ốm đau nhưng gần đây, khi tỉnh giậy vào buổi sáng, bà hoảng hốt nhận ra tay trái và chân trái không cử động được. Đồng thời, miệng của bà đột nhiên méo xệch, không thể ngậm lại, cũng không thể nói chuyện, nước dãi cứ thế chảy ra.
Ngay lập tức, gia đình chuyển bà bà Tôn tới Bệnh viện não Sanjiu Quảng Đông (Quảng Đông, Trung Quốc). Tại đây, Trưởng khoa Giải phẫu thần kinh Ngô Khiết cho biết, kết quả chẩn đoán hình ảnh chỉ ra bà Tôn có một ổ áp xe lớn ở thùy não bên phải. Tình trạng quá khẩn cấp, bà được đưa vào phòng phẫu thuật ngay sau đó.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ thấy một tổn thương dạng khối, có dạng viên nang và kết cấu cứng. Rạch ra là 1 khối mủ nhớt màu vàng, gây viêm nhiễm nghiêm trọng. Sau nhiều giờ nỗ lực, đội ngũ bác sĩ đã thành công hút được toàn bộ số mủ nhớt ra khỏi thùy não.
Điều tra bệnh sử cho thấy, nguyên nhân gây bệnh là biến chứng do sâu răng lâu năm.
Trưởng khoa Ngô giải thích, khi bị sâu răng hoặc áp xe nha chu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào não, dẫn đến áp xe não hoặc phù dưới màng cứng. Đặc biệt là với những người không điều trị kịp thời hoặc vệ sinh răng miệng không kỹ.
Sau hơn 2 tuần dùng thuốc chống nhiễm trùng và điều trị các triệu chứng hậu phẫu khác, bà Tôn đang bình phục rất nhanh. Hiện tại, bà đã có thể nói chuyện và cử động chân tay, đi lại bình thường.
Qua trường hợp của bà Tôn, Trưởng khoa Ngô cũng nhắc nhở chúng ta nên chú trọng hơn đến các bệnh răng miệng.
Nguyên nhân gây sâu răng
Không đánh răng thường xuyên: Răng cần được làm sạch thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn những đồ ăn nhiều màu, nhiều đường. Nếu răng không được làm sạch đều đặn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Đánh răng không đúng cách: Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về răng miệng xuất phát từ nguyên nhân đánh răng không đúng cách. Bạn nên chải răng theo chiều dọc răng hoặc xoay vòng tròn. Nên sử dụng các bàn chải có đầu lông tơ để có thể chải sạch các vị trí kẽ răng. Bề mặt tiếp diện của bàn chải đủ rộng để tiếp xúc với toàn bộ mặt trước và sau răng. Ngoài ra cần làm sạch cả bề mặt lưỡi để giữ vệ sinh khoang miệng.
Ăn đồ ngọt quá nhiều: Những loại thực phẩm chứa nhiều đường, sữa như bánh, socola, mật ong, kem… dễ bám vào răng trong thời gian dài, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Thường xuyên ăn vặt: Trong các loại nước ngọt và đồ ăn vặt có chứa nhiều chất axit gây hại cho răng. Nếu thường xuyên sử dụng, sẽ dễ làm cho răng bị sâu. Do đó, nên hạn chế uống sữa, trái cây hoặc chất lỏng chứa nhiều đường, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
Thiếu nước: Nhiều người sẽ không nghĩ đến việc thiếu nước cũng là tác nhân gây sâu răng. Thiếu nước dẫn tới tình trạng khô miệng, thiếu nước bọt. Nước bọt có vai trò rất quan trọng trong việc rửa sạch thức ăn và mảng bám răng. Các khoáng chất có trong nước bọt giúp chữa sâu răng sớm, hạn chế vi khuẩn phát triển và trung hòa các chất axit gây hại.
Hàm răng nứt vỡ hoặc yếu: Khi chân răng yếu hoặc nứt vỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bám vào bề mặt răng, hình thành những mảng bám khó loại bỏ. Mảng bám này dần dần thu hút thêm sự tập trung của vi khuẩn, gây nên sâu răng.
Tụt nướu: Ở những người có tuổi dễ xảy ra tình trạng tụt nướu do quá trình lão hóa các cơ quan trong cơ thể. Nướu bị tụt khỏi hàm sẽ hình thành các mảng bám trên rễ chân răng. Các ngà răng trở thành mục tiêu của vi khuẩn, tấn công đến cả chân răng.
Các lý do khác: Những trường hợp như trào ngược dạ dày thực quản, axit dạ dày khả năng tiếp xúc với răng khiến răng bị ăn mòn, lâu dần dẫn đến sâu răng.
Răng bị sâu có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ tại Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha khoa Việt Nam (Vidental), bệnh sâu răng không thể tự khỏi và có xu hướng tiếp tục phát triển gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị tận gốc.
Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
Sâu răng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Cấu trúc răng bị phá hoại gây đau nhức, tình trạng ngày càng nghiêm trọng sẽ dẫn tới việc mất răng. Khi sâu răng phát triển đến tủy răng sẽ gây ra tình trạng viêm tủy. Các lỗ chóp răng vì bị vi khuẩn chèn ép gây chết các dây thần kinh, máu không thể cung cấp cho răng, gây nên tình trạng hoại tử, chết tủy.
Cuối cùng, vi khuẩn sẽ lây nhiễm mô quanh chóp răng gây viêm quanh chóp răng, xuất hiện tình trạng áp xe răng. Răng sâu thì sẽ gây ra những hạn chế về vấn đề ăn uống, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Thiếu thẩm mỹ
Sâu răng ở tình trạng nhẹ sẽ xuất hiện những chấm đen trên bề mặt răng. Đến tình trạng nặng hơn sẽ là những lỗ hổng màu nâu hoặc đen với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau. Điều này khiến người bệnh không tự nhiên khi cười, nói chuyện để hở răng. Ngoài ra, sâu răng còn dẫn đến hôi miệng khiến bệnh nhân mất hẳn nụ cười tự tin trong giao tiếp.
Ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần
Những cơn đau nhức răng kèm theo đau đầu sẽ thường xuyên xuất hiện khi bạn sâu răng. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến ăn uống, giấc ngủ, khiến bạn đuối sức. Tinh thần do đó mà giảm sút nghiêm trọng. Sâu răng ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân. Người bệnh dễ bị nổi cáu, khó chịu. Ở trẻ nhỏ, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn. Trẻ có cảm giác chán ăn, bỏ bữa, quấy khóc, khiến cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng.
Nguy hiểm đến tính mạng
Khi răng sâu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến viêm tủy, rồi hoại tử. Vết hoại tử nặng dần làm cho vùng hàm mặt bị nhiễm trùng. Khi mức độ nhiễm trùng tăng dần sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu hoặc lan xuống trung thất, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ở những giai đoạn đầu, người bệnh có thể không nhận thức được răng sâu đang hình thành. Đó là lí do tại sao việc làm sạch và kiểm tra răng thường xuyên rất quan trọng. Khi bị sâu răng, bệnh nhân cần đến các nha khoa hoặc bệnh viện răng hàm mặt để điều trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, để không xảy ra bất cứ tình trạng đáng tiếc nào.
PN (Nguoiduatin.vn)