Sau khi vượt qua COVID-19 và đã phục hồi khỏe mạnh, không ít người thắc mắc rằng mình sẽ được kháng thể bảo vệ trong bao lâu, có cần thiết phải tiêm vắc xin COVID-19 nữa hay không, và nếu đã tiêm phòng rồi thì có thể tái nhiễm bệnh không?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) đã giải đáp những thắc mắc này như sau:
Đã từng mắc COVID-19, có cần tiêm vắc xin nữa không?
BS Khanh nhận định, những người đã nhiễm COVID-19 rồi thì rất khó bị lại, đặc biệt ít nhất trong 6 tháng đầu: Nghiên cứu cho thấy người nhiễm virus human corona nói chung, trong vòng 6 tháng đầu khỏi bệnh thì miễn dịch rất mạnh, có rất nhiều kháng thể... Do đó trong thời gian này virus không thể tấn công lại được.
Bác sĩ cho biết, kháng thể của F0 khỏi bệnh còn mạnh hơn người đã được tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin rất nhiều, khả năng bị bệnh lại rất thấp. Chính vì thế, đã có rất nhiều F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch bởi họ đã an toàn. F0 khỏi bệnh không cần lo đến chuyện tiêm ngừa nữa cho đến 6 tháng sau.
Dù có mắc lại COVID-19 thì đó cũng là điều có lợi!
BS Trương Hữu Khanh cho biết, hiện nay có khái niệm về "break through infection" (có miễn dịch nhưng vẫn mắc bệnh). Cụm từ này mang ý nghĩa là virus, tác nhân gây bệnh bẻ gãy và xuyên qua hệ thống miễn dịch để gây bệnh. Tuy nhiên, đó là chuyện không có gì đáng lo ngại bởi break through lúc nào cũng gây bệnh nhẹ do lúc này cơ thể đã có miễn dịch rồi.
BS Khanh nhận định F0 khỏi bệnh hay là đã chích ngừa rồi mà vẫn mắc bệnh thì đó cũng là điều có lợi, không gây hại gì cho cơ thể.
"Break through là hiện tượng có lợi chứ không có gì phải sợ. Ví dụ đã chích được 2 mũi xong mà "break through" thì khỏi chích mũi 3 vì miễn dịch đã được tăng lên. Người đã mắc bệnh rồi thì cũng giống như được chích thêm một mũi nữa. Đặc biệt, "break through" ít khi xảy ra trong 6 tháng đầu sau khi khỏi bệnh vì lúc này miễn dịch rất tốt", BS Khanh nói.
Lý giải vì sao có người đã tiêm vắc xin rồi vẫn nhiễm bệnh, BS Khanh nói: "Nếu bạn tiêm vắc xin rồi mà nhiễm bệnh thì không có gì đáng lo. Bởi ngay từ đầu, các nhà sản xuất vắc xin đã nói rằng một số người dù đã tiêm vắc xin COVID-19 nhưng vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, họ sẽ không bệnh nặng và không tử vong. Đa số người chích xong sẽ không mắc bệnh, hoặc là mắc bệnh mà không biết, hoặc mắc bệnh có triệu chứng nhưng rất nhẹ không cần hỗ trợ thở oxy".
Bên cạnh đó, BS Khanh cũng chia sẻ đôi điều về việc tiêm trộn vắc xin. Theo ông, nhiều người dân đang lo ngại về việc tiêm trộn 2 loại vắc xin với nhau nhưng điều này vô cùng bình thường. Việc tiêm vắc xin khác loại mũi 2 trên thế giới đã áp dụng, cơ hội chích ngừa là quan trọng nhất, nếu tiêm được nhiều người 2 mũi sẽ giải thoát được giãn cách. Chích ngừa vắc xin dù không đảm bảo chúng ta hoàn toàn không nhiễm bệnh nhưng chích vắc xin giảm tỷ lệ trở nặng, tử vong của người bệnh. Đặc biệt với biến chủng Delta, việc tiêm chủng cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyên mọi người nên lạc quan, bình tĩnh để đối diện với dịch bệnh. Cần thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không nên quá lo lắng về số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày, số ca bệnh nặng mới là chỉ số quan trọng cần theo dõi. Nếu 1000 người nhiễm mới nhưng chỉ có 2 người bị nặng thì sẽ không cần lo lắng. Thay vì đọc tin tiêu cực để làm cho tâm trạng thêm trầm trọng thì nên xem đá banh, xem phim để giải toả tâm lý, vui vẻ hơn trong mùa dịch.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)