Hồng vốn là cô gái rất cá tính nên không vừa mắt bà Nga. Bà thích có một cô con dâu hiền lành, thùy mị, nền nã chứ bà rất ghét những cô gái mạnh mẽ, cá tính. Nhưng khổ nỗi đúng là ghét của nào trời trao của ấy, con trai bà lại dứt khoát chỉ lấy Hồng về làm vợ.
Hồng chẳng giống như nhiều người khác, không bao giờ lấy lòng mẹ chồng bằng quà cáp hay giọng điệu thảo mai. Cô sống rất chân thành và thật thà. Thế là bà Nga càng không thích cô, người già mà, ai chẳng thích nịnh nọt bằng lời hay ý đẹp.
Không thích con dâu nên bà Nga lúc nào cũng coi Hồng như người ngoài. Bà cũng chẳng kiêng nể mà nói thẳng luôn với Hồng như thế, con dâu có tốt mấy thì cũng chỉ là người dưng khác máu tanh lòng.
Đặc biệt, mỗi khi nhà có việc gì họp gia đình, bà Nga không bao giờ cho Hồng tham gia. Bà bảo: "Chỉ người nhà họp thôi". Suy bụng ta ra bụng người, bà Nga cũng nghĩ rằng con dâu chỉ coi bố mẹ chồng như người ngoài: "Nó chẳng thương mình thì việc gì mình phải thương nó" - bà vẫn nói với hàng xóm như vậy.
Hồng là người chẳng bao giờ chấp nhặt, để ý những chuyện này nên cô cũng không bận tâm nhiều. Cứ sống sao cho đúng lương tâm, bổn phận và trách nhiệm của mình là được, sau có xảy ra chuyện gì cũng không ai trách được Hồng.
Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy, mấy tháng sau thì bà Nga bị ốm phải nằm viện. Lúc này, cả gia đình lại họp bàn để phân công ai là người chăm sóc bà Nga những ngày ở bệnh viện. Sau bao nhiêu cuộc họp không được tham gia vì là người ngoài, đến cuộc họp này, Nga lại bất ngờ được "triệu tập".
Theo ý của bà Nga, bà muốn Hồng xin nghỉ việc để ở viện chăm lo cho bà. Dù sao thì cũng là phụ nữ với nhau, làm việc gì cũng dễ hơn đàn ông. Còn Linh - con gái bà Nga tuy cũng thương mẹ nhưng vì đã đi lấy chồng, có con, phải gánh vác công việc nhà chồng nên chỉ chạy đi chạy lại chứ không thể ở trong viện chăm mẹ được.
Hồng đồng ý với sự phân công của gia đình, cô là dâu con trong nhà, phải có trách nhiệm là chuyện đương nhiên.
Thế nhưng, khi vào viện với mẹ chồng, bà Nga vẫn cứ chứng nào tật nấy, cứ xem con dâu như người xa lạ. Ngay trước mặt Nga mà bà còn bảo với bệnh nhân giường bên cạnh: "Chị có con gái chăm sóc hả, vậy thích nhỉ. Con gái tôi đi lấy chồng rồi nên không vào thường xuyên được, có con dâu thôi. Mà nó thì là người ngoài nên cũng không thoải mái lắm. Chẳng gì bằng con gái mình chị ạ, con dâu nó cũng coi mình như người dưng ấy mà".
Thật sự đã phải nghỉ làm để chăm mẹ mà cứ phải nghe những lời như vậy, Hồng rất khó chịu, không thể phớt lờ thêm được nữa nên cô nói luôn: "Nếu con coi mẹ là người dưng thì con đã không ở đây với mẹ đâu ạ. Người thân thì con mới có trách nhiệm chứ người ngoài thì con đâu có rỗi hơi mà chăm sóc".
Nghe Hồng nói vậy, bà Nga ngại ra mặt, lại thêm mấy người bệnh nhân trong phòng hùa thêm vào bảo: "Đúng rồi, con gái gả đi là con người ta, con dâu mới đích thực là con mình chứ".
Bà Nga cười trừ nhạt nhẽo, không nói thêm câu gì. Từ sau hôm đó, thấy con dâu hết lòng lo lắng cho mình nên bà cũng thấy áy náy với những gì mình từng nói. Và tuyệt nhiên, "bài ca" con dâu là người dưng cũng không thấy bà nhắc đến nữa.
Theo Lee NF (Helino)