Ngày hè, trẻ dễ bị tiêu chảy và đây là những cách mà cha mẹ có thể vô tình 'giết chết trẻ'

21/05/2020 14:06:08

Trẻ dễ bị tiêu chảy trong những ngày hè nóng nực này. Nhiều cha mẹ tìm đủ mọi cách cầm cho con và đây là những cách cha mẹ có thể vô tình “giết chết trẻ” khi dùng. Trường hợp bé 4 tháng co giật, sùi bọt mép sau khi uống thuốc chữa tiêu chảy mới đây là một ví dụ.

Trẻ nguy kịch vì tiêu chảy

Khoa cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công cho trường hợp bé gái 4 tháng tuổi gặp nguy hiểm sau khi dùng thuốc chữa tiêu chảy. Bệnh nhi được tuyến dưới chẩn đoán theo dõi là viêm não màng não.

Theo chia sẻ của người nhà, trẻ có tình trạng đi ngoài phân lỏng 7 – 8 lần/ ngày, phân xanh lẫn dịch này trước khi vào viện 10 ngày. Khi khám ở phòng khám tư, bệnh nhi được kê 2 túi thuốc bột màu vàng chữa đi ngoài. Sau 2 ngày uống, trẻ không đi ngoài nhưng có tình trạng ngủ nhiều hơn, li bì. Tối ngày 15/5, bé lên cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép, tay co quắp, chân duỗi cứng lập tức được đưa đi cấp cứu. Xử trí cắt cơn co giật, thụt hậu môn xong, bệnh nhi được chuyển lên tuyến trên.

Ngày hè, trẻ dễ bị tiêu chảy và đây là những cách mà cha mẹ có thể vô tình 'giết chết trẻ'
Ảnh minh họa

Theo BSCKI. Nguyễn Phú Thạch – Khoa Cấp cứu (Trung tâm Sản Nhi – Phú Thọ), qua kết quả chẩn đoán khi trẻ nhập viện co giật, phản xạ chậm, nhịp thở chậm… bác sĩ nhận thấy trẻ bị ngộ độc thuốc. Bệnh nhi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây ra tình trạng tiêu chảy của trẻ chứ không phải bệnh tiêu chảy và cần điều trị theo phác đồ nhiễm khuẩn tiết niệu. Việc dùng thuốc tùy tiện chữa tiêu chảy đã gây nguy hiểm cho trẻ. Sau điều trị, theo dõi tìm tác nhân gây ngộ độc sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định sau 3 ngày.

Trước đó cũng đã từng có nhiều trường hợp gặp nguy kịch khi tự ý dùng thuốc, mẹo để điều trị tiêu chảy. Như trường hợp bé trai 10 tuổi ở Phú Thọ cũng từng rơi vào nguy kịch khi được người nhà cho uống sái thuốc phiện chữa tiêu chảy. Sau khi uống, bé tím tái, khó thở và được đưa đi cấp cứu. Vào viện, bác sĩ chẩn đoán bị suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử co, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn nặng.

Tránh những sai lầm khi điều trị tiêu chảy

Thời điểm hiện nay, nắng nóng rơi vào cao điểm, ngoài các bệnh về đường hô hấp vì nắng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh trẻ dễ bị tiêu chảy. Tiêu chảy ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Có thể là nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột hay hệ quả ăn uống không đúng cách… Vào những ngày nắng nóng, vi khuẩn dễ phát triển khi thức ăn ôi thiu nhanh. Trẻ uống nhiều nước hơn vì nắng nhưng uống phải loại không đảm bảo vệ sinh…nên càng dễ bị.

Tâm lý vội vàng sợ con sút cân khi thấy con đi ngoài khiến nhiều cha mẹ sốt ruột tìm mọi cách để "cầm" cho con. Đáng nói, không hiếm trẻ gặp nguy hiểm từ chính sai lầm trong điều trị tiêu chảy cho trẻ của cha mẹ mà suýt chết. Đa phần trẻ bị tiêu chảy vào viện trong tình trạng mất nước, tiền sốc, co giật vì không được bù nước đúng cách.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã chỉ ra một số sai lầm gặp phải:

+ Tự ý cho trẻ uống kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy:

Điều này có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa khiến trẻ tiêu chảy kéo dài, hấp thu càng kém và lâu bình phục. Các loại thuốc cầm tiêu chảy làm cho thời gian lưu trú của các virus, vi khuẩn trong đường tiêu hóa kéo dài hơn.

+ Dùng búp lá ổi xanh, lá hồng xiêm…:

Chúng không làm cho bệnh thuyên giảm mà còn nặng hơn kéo dài. Trong búp lá ổi xanh có chứa chất tanin giúp làm săn niêm mạc ruột ngay tức khắc nên khi dùng mọi người thường thấy ngưng tình trạng đi ngoài phân lỏng ngay. Nhưng triệu chứng chỉ giảm đi giả tạo mà nguyên nhân chính vẫn không giải quyết được. Trẻ mắc tiêu chảy do virus, lá ổi không có khả năng tiêu diệt được virus nên càng làm cho tình trạng yếu hơn.

+ Dùng thuốc phiện

Cũng như dùng lá ổi xanh, bản chất của thuốc phiện làm cho giảm nhu động ruột. Dù số lần đi ngoài giảm nhưng bệnh không giảm, thậm chí còn nặng nề hơn do tác nhân gây tiêu chảy không được đào thải ra ngoài mà tồn đọng trong đường ruột làm tình trạng tiêu chảy kéo dài gây biến chứng nguy hiểm.

Khi nào nên đưa trẻ đến viện?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, trẻ dễ bị tiêu chảy nhưng không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng phải đưa trẻ vào viện. Gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ tại nhà nếu mất nước nhẹ bằng việc bù lượng nước tương đương với lượng nước trẻ mất trong phân sau mỗi lần đi ngoài.

Nếu con có một trong những biểu hiện sau nên đưa trẻ đi khám ngay như: Trẻ đi ngoài liên tục nhiều lần phân lỏng; Nôn, trẻ không ăn uống được; có sốt hoặc sốt cao, khát nước, ăn uống kém… Sau 2 ngày điều trị không tiến triển ở nhà cần đưa con đi viện.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ bị ốm hay có vấn đề sức khỏe nên đưa đi khám ở cơ sở uy tín, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mọi người cần thay đổi thói quen tự mua thuốc khi bệnh hay dùng đơn thuốc của bé khác với dấu hiệu tương tự cho con của mình, không dùng thuốc không biết rõ thành phần, nhãn mác…

Việc bù nước cho trẻ khi tiêu chảy rất quan trọng, nhưng bù nước không đúng có thể làm trẻ nguy kịch thêm. Từng có trường hợp trẻ tử vong vì mất nước quá nặng do bù nước sai cách. Khi trẻ tiêu chảy, bù nước bằng oresol phải liên tục, ít một mới giảm được nguy cơ mất nước, điện giải do tiêu chảy. Cha mẹ cần lưu ý bù nước bằng cách cho trẻ uống các loại nước ép trái cây quá ngọt, nước giải khát dễ khiến tình trạng xấu hơn.

Ngoài ra vẫn cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bỏ ngay quan niệm cho trẻ nhịn ăn để ruột được nghỉ ngơi và càng ăn trẻ càng đi nhiều. Trẻ bị tiêu chảy vẫn có khả năng hấp thu hơn 70 % chất dinh dưỡng và có sức chống chọi bệnh.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)

 

Nổi bật