Bàn chân là nơi tiếp xúc với mặt đất hàng ngày, thông qua bàn chân các độc tố và vi trùng vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Vì thế, việc chăm sóc và giữ ấm cơ thể là một điều rất đáng quan tâm.
Theo y học cổ truyền, phương pháp ngâm chân nước nóng là một liệu pháp trị bệnh thông dụng. Bởi lẽ, ngâm chân nước nóng là một phương pháp đơn giản mà hiệu quả giúp lưu thông khí huyết, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
1. Giúp giảm stress: Ngâm chân bằng nước nóng sẽ giúp cơ thể được thư giãn sâu, giảm stress, loại bỏ áp lực phiền muộn. Ngoài ra, ngâm chân giúp hồi phục sự cân bằng giữa suy nghĩ và cảm xúc của bạn, qua đó qua đó tăng cường sự tập trung trí não và kiểm soát lo âu.
2. Giúp ngủ ngon hơn: Ngày nay, con người thường mất ngủ vì những lí do khác nhau. Theo các chuyên gia, ngâm chân nước nóng đều đặn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn. Bạn hãy kết hợp thêm xoa bóp nhẹ nhàng bàn chân để tạo những tác động tích cực đến hệ thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, điều hòa khí huyết và cân bằng cơ thể.
3. Khử mùi hôi chân: Không chỉ mang lại cho bạn cảm giác thư giãn, thoải mái mà ngâm chân bằng nước nóng còn giúp bạn giải quyết mùi hôi chân. Thậm chí, các bệnh thường xuất hiện vào mùa đông như nứt chân, mồ hôi chân nhiều, tê chân… cũng được giải quyết triệt để. Bạn có thể ngâm chân nước nóng kết hợp với tinh dầu để mang lại đôi chân sạch sẽ, thơm tho hơn.
4. Chữa bệnh mãn tính: Thường xuyên ngâm chân nước nóng sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh mãn tính. Đặc biệt, ngâm chân nước nóng kết hợp với bấm huyệt bàn chân còn được áp dụng thành công để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, từ thoái hóa đầu gối, tổn thương cơ bụng, cơ chân cho đến bong gân chân hay đau gót chân.
5. Ngăn ngừa bệnh tim mạch: Các chuyên gia cho hay rằng, ngâm chân trong nước nóng thường xuyên sẽ giúp các mạch máu trong cơ thể mở rộng hơn. Từ đó huyết áp sẽ được giảm và tránh được các bệnh như cao huyết áp.
Những đối tượng nào cần tránh ngâm chân nước nóng?
Ngâm chân mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe là thế nhưng không phải ai cũng có thể tùy tiện ngâm chân. Đã từng có trường hợp, một người phụ nữ ngất xỉu tại nhà khi ngâm chân rồi qua đời ngay sau đó. Theo chẩn đoán của bác sĩ, người này tử vong do phình và vỡ mạch máu não. Chính vì thế, 4 nhóm đối tượng sau cần tránh ngâm chân:
- Người bị tiểu đường: Người bị bệnh tiểu đường có lớp da chân khá mỏng, dây thần kinh và bàn chân không còn nhạy cảm với nhiệt độ. Do đó, họ rất khó cảm nhận được nhiệt độ chính xác của nước, mất cảm giác nóng- lạnh nên dễ bị bỏng da.
- Người bị bệnh gút: Người mắc bệnh gút khi ngâm chân sẽ rất dễ bị xung huyết, ứ máu khiến bệnh không thuyên giảm mà thêm trầm trọng.
- Người mắc chứng giãn tĩnh mạch: Nếu bạn thuộc nhóm người này thì nên hạn chế ngâm chân. Bởi lẽ, bàn chân nếu được ngâm trong nước nóng ở nhiệt độ cao sẽ tăng lưu lượng máu cục bộ, tăng gánh nặng lên tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn nở thêm và làm bệnh trầm trọng.
- Người bị xơ cứng, tắc nghẽn động mạch: Đối với những người có tình trạng máu lưu thông kém, bị tắc nghẽn, nếu ngâm chân sẽ càng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hơn. Nguy hiểm hơn nữa có thể khiến chân hoại tử, phải cắt bỏ.
- Người có huyết áp thấp: Tác dụng của ngâm chân là giúp thúc đẩy lưu thông máu, giãn mạch máu và làm hạ huyết áp. Bệnh nhân khi ngâm chân vô tình lại làm cho huyết áp xuống thấp hơn nữa, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Người bị viêm loét hoặc chân có vết thương: Những người chân có vết thương hoặc viêm loét, nếu không vệ sinh sạch sẽ, lại ngâm chân với các loại lá có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân…
Một đối tượng khác nữa bị ngăn cấm hoàn toàn với việc ngâm chân nước nóng chính là trẻ em. Bởi đối với các em, đang tuổi phát triển, nếu ngâm chân nước nóng sẽ làm cho dây chằng chân trở nên lỏng lẻo, không có lợi cho việc hình thành và duy trì sự phát triển của chân, thậm chí nặng hơn nữa nó sẽ làm cho cột sống biến dạng. Nghiêm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến, não, tim, phát triển bụng.
Ngâm chân thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Theo các chuyên gia, thời điểm ngâm chân tốt nhất là trước khi ngủ, ngâm hai chân vào nước nóng chừng từ 38- 40 độ, trong khoảng từ 15- 30 phút. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể thêm nước nóng để duy trì nhiệt độ của nước.
Bạn không nên ngâm chân quá lâu. Tốt nhất chỉ nên ngâm chân trong khoảng thời gian 15 -30 phút và nhiệt độ nước không được vượt quá 45 độ để tránh xung nhiệt, gây bỏng chân và nứt nẻ da chân.
Sau khi ngâm cần lau sạch chân bằng khăn khô, trong ngày lạnh phải ủ ấm chân ngay để tránh lạnh. Sau khi ngâm chân không nên đi ngủ luôn. Bạn nên lau khô chân và cân bằng nhiệt độ cơ thể, sau đó mới lên giường đi ngủ.
Hiền Lê (SHTT)