Ngâm chân mùa đông cực tốt nhưng đại kỵ với một số người, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn

20/10/2022 11:36:46

Vào mùa lạnh, ngâm chân trong nước ấm là một phương pháp đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai ngâm chân cũng đều tốt.

Bàn chân là nơi tiếp xúc trực tiếp với mặt đất hằng ngày, thông qua da bàn chân thì các độc tố và vi khuẩn có thể tấn công cơ thể. Nó còn được ví như "trái tim thứ hai" của con người, nên việc giữ ấm và chăm sóc bàn chân đúng cách cũng là một điều đáng quan tâm.

Trong y học cổ truyền, phương pháp ngâm chân nước nóng là một liệu pháp trị bệnh thông dụng. Ngâm chân nước nóng là một trong số những phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất vì mang lại nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe, cụ thể là 6 điều sau:

Giảm stress

Ngâm chân bằng nước nóng sẽ giúp toàn bộ cơ thể được thư giãn sâu, giảm stress, loại bỏ áp lực phiền muộn. Ngoài ra, nó còn giúp phục hồi sự cân bằng giữa suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Quan trọng nhất, ngâm chân mang lại cho bạn cảm giác hài lòng, thỏa mãn, qua đó tăng cường sự tập trung trí não và kiểm soát lo âu.

Ngâm chân mùa đông cực tốt nhưng đại kỵ với một số người, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn

Chữa chóng mặt và điều trị chứng đau đầu

Rất ít người biết rằng, đôi bàn chân của chúng ta tuy vô cùng nhỏ bé nhưng lại là nơi chứa đựng rất nhiều huyệt đạo, đặc biệt các dây thần kinh dưới chân lại tác động nhiều đến bộ phận khác trên não bộ. Vậy nên, việc nâng niu và chăm sóc bàn chân cũng quan trọng không kém các nơi khác trên cơ thể, nhất là nó còn có thể chữa chóng mặt và điều trị chứng đau đầu dai dẳng.

Giúp ngủ ngon hơn

Nhiều người hay bị mất ngủ bởi rất nhiều lý do khác nhau, đôi lúc tốn bạc triệu nhưng vẫn không thể khỏi được. Theo các chuyên gia, tốt nhất hãy vừa ngâm vừa kết hợp massage chân sẽ giúp mạch máu lưu thông hiệu quả hơn. Từ đó, các huyệt dưới chân sẽ được tác động và làm cơ thể cũng như bộ não được thư giãn. Lặp đi lặp lại hàng ngày và chứng mất ngủ cũng từ đó mà biến mất.

Chữa tổn thương khớp

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, thường xuyên ngâm chân nước nóng sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh mãn tính. Đặc biệt nếu kết hợp với bấm huyệt bàn chân sẽ hỗ trợ cho việc điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, từ thoái hóa đầu gối, tổn thương cơ bụng, cơ chân cho đến bong gân chân hay đau gót chân. Ngoài ra, phương pháp trị liệu này còn giúp cải thiện hiệu quả hóa trị liệu cho bệnh nhân ung thư.

Khử mùi hôi chân

Không chỉ mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái mà ngâm chân bằng nước nóng còn có thể giúp bạn giải quyết mùi hôi chân. Thậm chí, các bệnh thường xuất hiện vào mùa đông như nứt chân, mồ hôi chân nhiều, tê chân… cũng được giải quyết triệt để. Bạn có thể ngâm chân nước nóng kết hợp với một số loại thảo dược, tinh dầu khác để mang lại đôi chân sạch sẽ và thơm tho hơn.

Ngâm chân mùa đông cực tốt nhưng đại kỵ với một số người, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn - 1

Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Các chuyên gia cho hay rằng, ngâm chân trong nước nóng thường xuyên sẽ giúp các mạch máu trong cơ thể mở rộng hơn. Từ đó huyết áp sẽ được giảm và tránh được các bệnh như cao huyết áp.

Những ai nên kỵ ngâm chân nước ấm?

Trẻ em dưới 12 tuổi: Khi còn nhỏ, vòm bàn chân sẽ dần hình thành, nếu trong thời kỳ này thường xuyên ngâm chân trong nước ấm sẽ dễ khiến dây chằng lòng bàn chân của trẻ bị lỏng lẻo, không thuận lợi cho việc hình thành và duy trì của vòm, làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt.

Người bị bệnh tim: Đối với bệnh nhân tim mạch, tốt nhất là không nên ngâm chân nước nóng. Vì sau khi ngâm, các mạch máu sẽ nở ra, đồng thời máu của toàn bộ cơ thể sẽ dồn lên bề mặt cơ thể, dẫn đến thiếu oxy và thiếu máu cục bộ của các cơ quan quan trọng như tim.

Người bị tiểu đường: Da của những bệnh nhân này tương đối mỏng manh, nhiệt độ bên ngoài không nhạy cảm với các dây thần kinh ngoại vi của bàn chân, thậm chí là nước rất nóng, họ có thể không cảm nhận được và rất dễ bị bỏng. Bỏng nước có thể dẫn đến nhiễm trùng chân, loét và thậm chí phải cắt cụt chi.

Người bị bệnh da chân: Nếu bạn bị bệnh ngoài da ở chân, ngâm chân nước ấm sẽ dễ dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát, nhất là đối với những vết thương đã bị vỡ mủ. Ngoài ra, bệnh nhân bị chàm chân, mụn rộp và các bệnh khác cũng không nên ngâm chân nước ấm vì da dễ bị nhiễm trùng sau khi bị loét.

Người bị giãn tĩnh mạch: Những người bị suy giãn tĩnh mạch cũng tuyệt đối không nên ngâm chân. Bởi ngâm chân với nước nóng làm cho quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, máu lưu thông nhanh. Điều này làm tĩnh mạch giãn nở gây nguy hiểm cho người bệnh.

Ngâm chân mùa đông cực tốt nhưng đại kỵ với một số người, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn - 2

Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai không nên xông nước nóng hay ngâm chân, chỉ cần dùng nước ấm rửa chân là được.

Vì thời gian ngâm chân lâu khiến cho máu tập trung xuống chân mà không cung cấp đủ lên não, gây tức ngực, chóng mặt, không tốt cho sức khỏe.

Nước ngâm chân nóng cũng gây tổn thương đến da, giãn nở tĩnh mạch và khiến cho tình trạng sưng phù của mẹ bầu càng trầm trọng hơn.

4 điều quan trọng cần chú ý khi ngâm chân vào mùa thu đông

Đối với người thích hợp ngâm chân cũng cần lưu ý những điều này để giữ gìn sức khỏe

Thời điểm ngâm chân

Từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm, khí huyết của kinh mạch gan thận tương đối yếu, lúc này ngâm chân nước nóng có thể cải thiện tuần hoàn máu, nuôi dưỡng nội tạng tốt hơn. Ngoài ra, ngâm chân lúc này còn có tác dụng giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Thời gian ngâm chân

Nên kiểm soát tốt thời gian ngâm chân, không nên để quá lâu, khoảng 15 đến 30 phút là đủ, nếu thời gian ngâm chân quá lâu sẽ dễ dẫn đến lượng máu lên não không đủ, tăng gánh nặng lên tim.

Nhiệt độ nước thích hợp để ngâm chân

Nhiệt độ nước ngâm chân phù hợp trong khoảng 38 - 43°C. Không quá nóng hoặc quá lạnh, có thể thêm một ít nước ấm để duy trì nhiệt độ nước thích hợp trong quá trình ngâm chân.

Tuy nhiên, nhiệt độ nước quá cao sẽ làm tổn thương bề mặt da bàn chân, khiến lớp sừng bị khô, mạch máu dễ bị giãn nở quá mức dẫn đến lượng máu cung cấp đến các cơ quan quan trọng như thận, tim, não không đủ.

Ngoài ra, không nên ngâm chân ngay sau bữa ăn, vì phần lớn máu sẽ dồn về hệ tiêu hóa sau khi ăn no, lúc này ngâm chân ngay sẽ khiến máu dồn xuống hạ bộ gây khó tiêu. Nên ngâm chân sau bữa ăn từ 1 đến 2 tiếng là tốt nhất.

Ngâm chân mùa đông cực tốt nhưng đại kỵ với một số người, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn - 3

Các thành phần có thể cho vào nước ngâm chân

– Muối: Thêm hai thìa muối vào nước ngâm chân, giúp diệt khuẩn, chống viêm, nhuận tràng.

– Gừng: Thêm mấy lát gừng già vào nước ngâm chân, có tác dụng đánh tan khí lạnh trong cơ thể.

– Rượu: Thêm một chút rượu trắng giúp thúc đẩy tuần hoàn máu.

– Chanh: Thêm mấy lát chanh vào nước ngâm chân giúp lưu thông khí, tinh thần tỉnh táo, phòng cảm cúm.

– Giấm: Thêm 3 thìa giấm vào nước ngâm chân giúp làm đẹp da.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật