Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng

04/07/2018 09:03:13

Theo dự báo, đợt nắng kỷ lục này sẽ còn kéo dài đến ngày 6/7 tới. Với nhiệt độ cao trên 40 độ như vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức chú ý giữ gìn sức khỏe để không phải cấp cứu trong những ngày này.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ngày hôm qua (02/7), nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến khoảng 36-39 độ, có nơi trên 39 độ như: Chi Nê (Hòa Bình) 39.4 độ, Vĩnh Yên(Vĩnh Phúc) 40.0 độ, Hà Đông (Hà Nội) 39.7 độ, Hưng Yên và Nam Định 39.5 độ, Hà Nam và Ninh Bình 39.6 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 40.3 độ, Thanh Hóa 40 độ, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 39.8 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 40.2 độ,...

Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày hôm nay (3/7) phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.

Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ xảy ra nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.

Nắng nóng gay gắt diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ còn kéo dài đến ngày 6/7.

Trong đặt nắng nóng kéo dài này, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) phổ biến 37-40 độ; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.

Khu vực Hà Nội, nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ngày hôm nay phổ biến 38-40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1-2.

Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng
Nắng nóng kỷ lục gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Ảnh minh họa.

Có thể tử vong vì say nắng

TS.BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi say nắng, thân nhiệt bệnh nhân lên rất cao (có thể trên 39,5 độ C); Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); Mạch nhanh, mạnh; Đau đầu nhức nhối; Chóng mặt, buồn nôn. Nặng hơn nữa trẻ mê sảng, mất ý thức.

"Tất cả các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng kỷ lục như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.

Do đó, để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước.

Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h - 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời"- TS. Chính cảnh báo..

Nền nhiệt cao ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người già. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng và có nguy cơ xảy ra rất cao trong những ngày nắng nóng, với tất cả mọi người, không loại trừ cả trẻ em.

Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát.

Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng - 1
Nhiệt độ cao có thể gây mất nước, say nắng nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa.

Chính vì vậy, khi thấy người có biểu hiện say nắng, thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.

Nặng hơn là tình trạng ảo giác, thay đổi ý thức, hôn mê, co giật... cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào, ví dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người…

Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân.

Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Chú ý bù nước cho cơ thể

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Dấu hiệu trẻ mất nước là môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Khóc không có nước mắt; Trẻ quấy khóc, khó chịu; Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi; Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.

PGS. Dũng khuyến cáo, những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nước dừa, nước lọc...

Một người khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này tư vấn, người dân hãy uống nước đúng cách, đừng đợi khát mới uống cả cốc mà hãy chủ động uống kể cả khi không thấy khát nước.

Nhất là người nhà già, trẻ nhỏ hãy luôn chủ động nhắc nhở uống nước để phòng nguy cơ mất nước. Nên hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Bên cạnh đó, khi ra ngoài đường cần có phương tiện bảo hộ chống nắng, hạn chế ra ngoài đường vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ say nắng nguy hiểm.

Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng - 2
Người dân nên hạn chế ra đường lúc nắng nóng cao điểm từ 11-15h. Ảnh minh họa.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo Dương Hải (Sức khỏe & Đời sống)

Nổi bật