Sau tuần trăng mật của vợ chồng Lan, ít hôm sau cô mới bàng hoàng phát hiện ra mình không là gì cả trong mắt mẹ chồng, thậm chí là "cái gai" trong mắt bà, dù mới chỉ chân ướt chân ráo về nhà chồng, chưa làm bất cứ điều gì có lỗi. Lan thật sự thấy sốc khi mẹ chồng thường tâm sự với hàng xóm rằng con dâu dù thế nào cũng là loại "khác máu tanh lòng", nên rất bạc bẽo, dễ thay lòng đổi dạ, lật mặt như trở bàn tay với nhà chồng. Nếu không đe nẹt, chế ngự thì có ngày cả nhà bị nó đè đầu cưỡi cổ, bòn gót tiền của.
Không việc gì trong nhà Lan làm mà được mẹ chồng bằng lòng, vừa ý. Nấu cơm nhão thì bà đòi ăn cơm khô, nấu cơm dẻo thì bà chê khó ăn… Món thức ăn Lan nấu bà cũng chê ỏng chê eo. Nào là không nuốt nổi, quá nhạt, quá mặn, chín quá kỹ, để sống… không vừa ý bà. Trong khi đó, chồng Lan lúc nào cũng tấm tắc khen.
Đã thế, có miếng ăn ngon ngọt quý giá nào bà cũng để dành, để phần cho con trai ăn. Mặc dù chồng Lan không thích như thế. Anh ngăn mẹ thì bị chì chiết ăn phải bùa mê thuốc lú, vợ nó đè đầu cưỡi cổ nên giờ lạnh nhạt với mẹ đẻ. Hễ Lan có một chút sơ xuất nhỏ thôi là mẹ chồng nặng lời nhiếc móc, nói cạnh nói khóe không biết chán. Hàng xóm có góp ý, bà cũng để ngoài tai, thậm chí bà còn tuyên bố rồi mọi người sớm "trắng mắt" mà xem con dâu sau này nó tác oai, tác quái gia đình này.
Chồng càng yêu quý Lan bao nhiêu thì mẹ chồng cay nghiệt, ghét cay ghét đắng Lan bấy nhiêu. Muốn giúp đỡ vợ, chồng Lan xắn tay vào làm thì bị mẹ cấm cản, còn trách con dâu lười nhác có mấy việc cỏn con mà nhõng nhẽo bắt chồng làm. Thấy mẹ chồng đối xử không bằng người giúp việc trong nhà, Lan buồn đến nẫu ruột. Chồng là con út, trong khi anh cả lập gia đình ở rất xa, vợ chồng Lan không thể ở riêng được.
Chả nhẽ cam chịu đến héo mòn? Đắn đo mãi, cuối cùng Lan cũng nghĩ ra cách cùng bàn bạc với chồng, nhờ chồng tìm cách hóa giải mối quan hệ xung khắc giữa mẹ chồng và nàng dâu, và nếu như "nhẹ nhàng" không được sẽ tìm biện pháp "cứng rắn". Trước hết, Lan tự rèn mình trong vai trò làm dâu hiền, ngoan, tốt tính và thạo việc nhà, quan hệ tốt với họ hàng, làng xóm. Lan đã thành công bước đầu khi được nhiều người hàng xóm, người thân bên chồng quý mến.
Lan và chồng tìm cách "cải tạo" mẹ chồng bằng cách diễn vở kịch có thai, để thu hút sự quan tâm của mẹ chồng với con dâu và cháu nội. Vợ chồng Lan không ngừng chia sẻ với bà về tầm quan trọng của chăm sóc, tạo điều kiện cho người mang thai, đầy đủ chất dinh dưỡng, sống thoải mái, làm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp. Nếu không, sẽ có nhiều hệ lụy mà đứa trẻ sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Vì lo cho cháu nội tương lai, mẹ chồng Lan bắt đầu bị cuốn hút vào công việc và cách ứng xử mềm mỏng hơn. Trong thời gian này, bà cũng nhận ra rằng trong thời gian qua mình đã đối xử không tốt với con dâu, có ác cảm và hành động gây nhiều tổn thương với con dâu. Bà cũng nhận ra rằng, con dâu của mình cũng là một người hiếu thảo, yêu thương chồng và hết mình vì nhà chồng. Dẫu có lúc việc nhà chưa thạo, nhưng cũng rất cầu thị và rút kinh nghiệm.
Rồi một ngày, nhân lúc vui, cả hai vợ chồng Lan cùng nắm tay bà, nói lời xin lỗi khi đã tạo ra màn kịch mang thai giả, đây là sự phối hợp của cả hai để mong mẹ hiểu, thông cảm cho người con dâu luôn vất vả vì gia đình bấy lâu nay. Cả hai mong muốn gia đình luôn hạnh phúc, sau này có con, chúng sẽ được nuôi dưỡng trong gia đình đầm ấm đó.
Biết được sự thật, mẹ chồng Lan cũng cảm thấy bất ngờ, bà định giận dỗi, song cả hai đã ôm bà và mong bà tha lỗi. Cả hai sẽ có con trong giai đoạn thích hợp, bà sẽ sớm có cháu bế. Nghe tấm chân tình của hai con, bà cũng đã không giận nhưng bà cũng bày tỏ mong muốn gia đình đã hòa thuận rồi, cũng phải đến lúc có đứa cháu làm sợi dây kết nối tình thương yêu trong gia đình.
Vợ chồng Lan thở phào trong niềm vui, đã thoải mái hơn rồi, đã đến lúc nghĩ đến chuyện có con. Lần có thai thật của Lan sau đó quả là cầu được, ước thấy. Lan vui vì hóa giải và cảm hóa được mẹ chồng cay nghiệt với quan niệm cổ hủ. Cả Lan và chồng đều vui mừng, hạnh phúc gì không những gia đình hòa thuận mà sắp tới sẽ có thêm thành viên mới.
Theo Ngọc Linh (Giadinh.net.vn)