Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam N.M.Đ. (17 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, đại tiểu tiện không tự chủ. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó chiều 16-8, sau khi đi học Đ. về có kêu đau đầu. Thấy vậy gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Người thân của Đ. có mời bác sĩ gần nhà đến tiêm cho Đ. 1 mũi thuốc. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân hôn mê sâu hơn, đại tiểu tiện không tự chủ và được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Tại đây, sau khi đánh giá tìn trạng, bệnh nhân được đặt nội khí quản, đảm bảo tuần hoàn, hạ huyết áp. Hình ảnh trên phim chụp CT xuất huyết não, não thất diện rộng. Tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục xử trí.
Trước đó, một nam sinh 15 tuổi ở Phú Thọ sau khi đá bóng về bỗng thấy đau đầu, chóng mặt, nôn liên tục. Người mẹ bé trai tưởng con bị trúng gió nên cạo gió, khi tình trạng đau không giảm nên đưa đến bệnh viện. Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bệnh nhân đã suy giảm ý thức, đau đầu, buồn nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán bị đột quỵ, vỡ dị dạng mạch máu não.
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Linh, Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ, nhiều người dưới 30 tuổi. Hiện tượng đau đầu nghiêm trọng, xuất hiện nhanh, có thể kèm theo nôn mửa là một trong những dấu hiệu của bệnh đột quỵ. "Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi. Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới. Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường"- bác sĩ Linh lưu ý.
Để hạn chế biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ khuyến cáo khi thấy hiện tượng đau đầu bất thường nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám. Nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - một trong những yếu tố dẫn đến đột quỵ.
Theo D.Thu (Nld.com.vn)