Khoảng 7h tối ngày 3.7, Trung uý Nguyễn Văn M, SN 1987, quê Hải Phòng, được máy bay trực thăng đưa từ nhà giàn DK1, Trường Sa về sân bay Tân Sơn Nhất và chuyển ngay Khoa Hồi sức tích cực, Viện Quân y 175, ở TPHCM, với chẩn đoán tuyến trước là nhồi máu não...
Khoảng 15h30 ngày 2.7, bệnh nhân đang chơi bóng bàn thì đột nhiên ngã, kêu đau đầu dữ dội; co giật hai chân và rối loạn tri giác (rối loạn khả năng nhận biết sự vật, hiện tượng).
Khi khoa tiếp nhận, bệnh nhân trả lời chậm, lơ mơ, liệt nửa người trái, mạch và huyết áp ổn định.
Sau hội chẩn các trực nội, ngoại, thần kinh và chẩn đoán hình ảnh, kết luận: Đột quỵ do nhồi máu não bán cầu phải: Động mạch (ĐM) não giữa phải (cấp máu nuôi phần lớn bề mặt bán cầu đại não phải và một số vùng khác) có một mảng xơ vữa và ĐM cảnh trong phải có huyết khối.
Đây là một ca bệnh trẻ, tiền sử khỏe mạnh, tiên lượng ban đầu rất nặng, do nguy cơ phù não sẽ nặng dần lên (hậu quả của nhồi máu não), có thể tiến triển xấu đến hôn mê, rối loạn tuần hoàn, hô hấp...
Phác đồ cấp cứu được thực hiện ngay là chống phù não, co giật, đông máu và tập trung tiểu cầu (gây đông máu thứ phát), song hành điều trị xơ mỡ ĐM, dự phòng nhiễm trùng...
Gần đây nhất, BV ĐH Y Dược TPHCM, đã cứu sống một ca ĐQN mới 22 tuổi, là anh N.H.V, ở Hậu Giang, đang học năm cuối ĐH thủy sản, không uống bia, rượu, không hút thuốc lá nhưng bỗng nhiên nói ngọng; yếu tay, chân bên phải...
Khi đưa vào cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh cho thấy thấy hẹp ĐM não giữa bên trái. Các BS thần kinh và điện quang can thiệp đã hợp sức cứu được.
Một nam bệnh nhân khác, 39 tuổi, ở Hà Nội không có được may mắn này! Khoảng 1 giờ trước khi nhập viện, đang cười nói vui vẻ, anh đột ngột ôm đầu kêu đau thất thanh, co giật toàn thân, nôn ói và nhanh chóng hôn mê...
Các BS nghĩ đến ĐQN cấp, chỉ định chụp mạch não để định khu tổn thương.
Chẩn đoán hình ảnh xác định, bệnh nhân vỡ ĐM não giữa trái, tràn máu não thất (các khoang rỗng chứa dịch não tủy trong não), còn gọi là “lụt” máu não thất - một thể tai biến mạch não nặng nhất làm bệnh nhân lập tức hôn mê, mất ý thức.
Dù được phẫu thuật và điều trị tích cực nhưng các BS cũng không cứu được!
Thực chất đột quỵ não là gì?
Bất kể vùng não nào nếu thiếu máu nuôi dưỡng đều gây ra đột quỵ (stroke) - hình ảnh mô tả một người đang bình thường đột nhiên khuỵu, ngã xuống với bất kỳ tư thế nào, ở bất kỳ đâu, cả những chỗ nguy hiểm.
Đột quỵ là hình ảnh của rối loạn vận động mà người xung quanh dễ nhận thấy nhất, nhưng không phải chỉ có thế, nó còn kèm theo nhiều rối loạn thần kinh, tâm thần khác.
Y văn thế giới xác định ĐQN do ba nguyên nhân: Hẹp hay co thắt mạch não: đường kính mạch máu hẹp lại (thường do các mảng xơ mỡ) hoặc bỗng nhiên co nhỏ lại do một vài nguyên nhân (80%); Tắc mạch não: Do cục máu đông hay mảng xơ mỡ ĐM trong hoặc ngoài não theo dòng máu đến não bít tắc mạch (15%); Vỡ mạch não: 5%.
Hậu quả là những vùng não do các mạch (có “sự cố”) này cấp máu nuôi dưỡng bị thiếu máu, phát sinh rối loạn hay hủy hoại gây ra những triệu chứng thần kinh, tâm thần khu trú, tức là phù hợp với chức năng chi phối (chỉ huy) mà vùng não đó đảm nhận như liệt (rối loạn vận động), nói khó hay mất nói (rối loạn ngôn ngữ), dễ mủi lòng, dễ khóc (rối loạn cảm xúc); nếu vùng não bị hủy hoại rộng hoặc có những trung khu thần kinh thực vật quan trọng chỉ huy tuần hoàn, hô hấp, điều nhiệt... có thể gây tử vong nhanh chóng hoặc bán mê, hôn mê.
Nhiều người biết nguyên nhân của ĐQN, nhưng cũng không ít người biết lại “phẩy tay”, bất cần, đó là mỡ máu và ĐQN là cặp bài trùng.
Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa thông báo: Cứ 4 người có một người nhiễm mỡ máu hoặc gan - con số báo động.
Trước đây, nhiễm mỡ máu và gan chỉ thấy ở người trên 60 tuổi thì hiện đang có xu hướng “trẻ hóa”. GS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch hội tim mạch Việt Nam cho biết, thống kê mới nhất số người trẻ rối loạn mỡ máu chiếm 29% và chủ yếu ở thành thị...
Nghiên cứu thấy, 70% rối loạn mỡ máu liên quan tới chuyển hóa cơ thể, đó là thừa và mất cân đối tỉ lệ các loại “mỡ” trong máu: Tăng cholesterol toàn phần, LDL - cholesterol (phức hợp đạm - mỡ) “xấu” và triglyceride (không tham gia chuyển hóa - “đốt cháy” để tạo ra năng lượng); giảm HDL - cholesterol “tốt”. Khổ nỗi tăng mỡ máu đều chung “nghịch cảnh” này và kéo theo sự thay đổi đường huyết, chức năng thận...
Trong khi HDL - cholesterol mang mỡ (cholesterol và triglyceride) về gan để “đốt cháy” thì LDL - cholesterol “xấu” lại làm cho cholesterol và triglyceride dư thừa bám vào lớp màng trong lòng động mạch (theo sau là các ion Ca) gây chít hẹp lòng mạch.
Hậu quả là tốc độ dòng máu chậm lại - dễ hình thành các cục máu đông.
“Bức tranh” xấu này có thể “nhìn” thấy ở khắp cơ thể, tại não nó gây thiếu máu một vùng nào đó là đương nhiên, nhưng những mảng xơ mỡ và cục máu đông ngoài não có thể theo dòng máu lên não gây tắc..., chưa kể những cục máu đông hình thành trong một số bệnh tim, mạch và những bệnh khác cũng có thể theo “kịch bản” này.
Người rối loạn mỡ máu (kể cả người gầy) phải đối mặt với nguy cơ ĐQN bất cứ lúc nào, nhưng ngoài não, mỡ máu có thể gây tắc nghẽn nhiều nơi như động mạch chủ; tắc nghẽn ở tim gây nhồi máu cơ tim; ở chi gây đau đớn, tím, hoại tử; ở thận gây hẹp động mạch thận làm tăng huyết áp, teo thận...
Thống kê của các BV toàn quốc cho thấy, ĐQN ở người trẻ đang tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, nam gấp 4 lần nữ; khoảng 50% tử vong và tỉ lệ này gấp nhiều lần nếu tái phát sau 3 - 5 năm.
Biểu hiện rối loạn mỡ máu không có gì rõ ràng nên ít người biết mình mắc bệnh.
Đặc biệt, người trẻ tuổi khi đang sung sức, chủ quan không kiểm tra định kỳ, xem nhẹ những dấu hiệu của ĐQN thoáng qua (còn gọi là thiếu máu não thoáng qua) như tự nhiên rơi đũa, mất cảm giác hoặc đau chi vô cớ, đi cà nhắc...; ít vận động, không tập thể dục, thể thao; ăn quá nhiều chất béo, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh, đồ ăn ngọt; uống nhiều nước có ga, rượu, bia...; vì thế không ít người trẻ ĐQN mà không biết.
Anh N.T.X, 39 tuổi, ở Q.6, TPHCM, là công chức và nguồn thu nhập chính trong nhà, ngoại trừ cảm cúm vặt thì hoàn toàn khỏe mạnh.
Một buổi tối, ăn cơm xong, đang đứng trong nhà, bỗng thấy tay, chân bên phải không điều khiển được.
Người nhà đỡ, hỏi thấy ngơ ngơ, không nói và không có phản ứng với câu hỏi. BV ĐH y dược chẩn đoán tắc ĐM não giữa trái - một mạch lớn cấp máu một khu vực não rộng, trong đó có trung tâm ngôn ngữ nói (Broca) vì thế nên mất nói. Được dùng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp hút huyết khối kịp thời nên qua được...
Anh Đ.Q.V, 29 tuổi, ở Q.5, TPHCM, đang khỏe mạnh, sau khi tắm thấy nặng đầu, mệt mỏi, nghĩ bị “cảm” nên tự mua thuốc uống.
Hôm sau, đến cơ quan, không thể mở chiếc máy tính quen thuộc, không đọc được chữ, khi đứng lên loạng choạng suýt ngã.
Đồng nghiệp phát hiện tay chân bên phải yếu, BV ĐH Y Dược chẩn đoán co thắt nhánh nông dưới của ĐM não giữa trái, cấp máu nuôi dưỡng trung tâm ngôn ngữ viết (Wernike), vì thế không đọc được chữ!
Sẽ thiếu sót nếu không nói đến nguyên nhân tổng quát của ĐQN ở người trẻ là tăng huyết áp (HA), nhưng khổ nỗi, ngoại trừ những nguyên nhân gây tăng HA như di truyền, hẹp ĐM mạch thận bẩm sinh, ăn mặn, rượu bia, thừa cân, lười biếng, thuốc ngừa thai, giới tính, căng thẳng do lối sống công nghiệp thì nguyên nhân gây tăng HA hàng đầu là mỡ máu cao hoặc hầu hết các nguyên nhân trên có sự kết hợp của mỡ máu cao... và các mảng xơ mỡ làm cho thành mạch suy yếu, dễ vỡ khi cao HA...
Năm 2016, Hội Tim mạch học VN công bố, khoảng 47% người trên 25 tuổi được khảo sát tăng HA, gần gấp 2 lần khảo sát tương tự năm 2008!
BS Hoàng Khánh Toàn, BV TW quân đội 108 cho biết, ngày nay, 20 - 30% người độ tuổi 25 - 40 tuổi có nguy cơ ĐQN. PGS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc trung tâm phục hồi chức năng, BV Bạch Mai, HN thống kê thấy 50 - 60% cấp cứu ĐQN ở nhóm tuổi ngoài 30 là nguyên nhân tăng HA...
Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 532.000 - 852.000 người 18 - 44 tuổi ĐQN.
50% tử vong, 90% số sống sót có di chứng trầm trọng về vận động, ngôn ngữ, nhận thức và nhiều di chứng thần kinh, tâm thần khác, vì thế phòng chống ĐQN phải đặt lên hàng đầu... Nếu thấy đau đầu dữ dội; thị lực giảm, nhìn mờ dần (cả hai hoặc một mắt); miệng méo, rõ hơn khi nói, nhe răng; nhân trung lệch; mặt mất cân xứng.
Tê tay, khó cử động, khó thao tác; khó đi, không nhấc được chân.
Nói ngọng, khó mở miệng, môi lưỡi tê cứng, phải gắng sức mới nói được; mất nói...; phải đưa đi viện ngay, để tận dụng “5 giờ vàng” cấp cứu ĐQN.
Khi có biểu hiện ĐQN thoáng qua: Bối rối, chóng mặt, nhìn một vật thành hai, mất nhớ, tê bì chi, khó nói và nuốt, ngứa ran, nhìn mờ, khó đi lại..., diễn ra trong ít hơn 10 phút (70%) hoặc trong ít hơn 4 giờ (90%), phải đi viện ngay.
Có 4 - 10% người ĐQN thoáng qua bị ĐQN thực sự trong vòng 48 giờ sau và tỉ lệ cao bị ĐQN sau 3 tháng...
Theo BS.Văn Bình (Lao Động)