Uống thuốc giảm đau, ca sĩ MiA phải đối phó với tình trạng suy gan
Trên trang cá nhân của mình, MiA, nữ sĩ sinh năm 1991, đã không ngần ngại chia sẻ về tình trạng sức khỏe của mình. MiA cho biết, cô phải nhập viện cấp cứu do uống tới 5 viên thuốc giảm đau Panadol. Chia sẻ của nữ ca sĩ dòng nhạc dance - hiphop đã khiến người thân, bạn nè, người hâm mộ không khỏi lo lắng. Theo chia sẻ của MiA thì "bác sĩ bảo là mình bị suy gan do lạm dụng quá nhiều thuốc nhức đầu. Từ nay không bao giờ dám đụng tới nữa. Chia tay".
Mặc dù biết rằng lạm dụng thuốc giảm đau có thể đem đến những tác hại khôn lường nhưng dường như đây không còn là thói quen xa lạ của nhiều người và ca sĩ MiA không phải là trường hợp duy nhất lạm dụng thuốc giảm đau panadol. Paracetamol là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, được bán phổ biến và người dân không cần sự kê đơn của bác sĩ cũng có thể mua được.
Thế nhưng, nhắc đến loại thuốc này, các bác sĩ đều khuyến cáo rằng nó chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời mà không có tác dụng điều trị bệnh, vì vậy, người bệnh không nên lạm dụng trong thời gian dài vì sẽ gây nhờn thuốc, dẫn đến tổn hại rất lớn cho nội tạng, đặc biệt là gan và thận. Những loại thuốc giảm đau chứa paracetamol như panadol có thể làm tổn thương gan một cách nghiêm trọng nếu dùng sai cách. Triệu chứng của một lá gan bị tổn thương bao gồm chán ăn, buồn nôn, nếu không được điều trị đến nơi đến chốn có thể làm suy gan, thậm chí tử vong.
Một số loại thuốc có thể gây suy gan nếu lạm dụng
Hầu hết các loại thuốc sau khi vào cơ thể đều có thể có tác hại đến gan, chỉ là ở mức độ khác nhau tùy theo loại thuốc và theo lượng thuốc đã dùng bởi vì thuốc vào máu và đi qua gan trước khi đào thải ra ngoài theo đường tiết niệu hoặc theo đường mật xuống ruột. Bình thường, thuốc đưa vào cơ thể là chất không độc, nhưng sau khi được chuyển hóa tại gan, một số thuốc trở thành chất gây độc với chính bản thân gan. Nếu lạm dụng một số loại thuốc có thể gây nên viêm gan cấp, suy gan cấp hoặc viêm gan mạn, xơ gan, gan nhiễm mỡ... Đặc biệt, những người đã có bệnh gan, mật mạn tính, gan càng dễ bị ngộ độc thuốc hơn.
Với sự "phong phú" của nhiều thuốc, danh sách các thuốc gây độc cho gan phải kể đến các nhóm như: Thuốc giảm đau, hạ sốt chứa paracetamol, thuốc chống lao, vitamin A...
Làm thế nào để dùng thuốc nhưng không hại đến gan?
Đa số trường hợp ngộ độc gan do thuốc thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, nhất là khi bị ngộ độc nhẹ, mạn tính kéo dài. Một số triệu chứng nếu có thường là: Mệt mỏi, chán ăn... Vì vậy, để biết gan có bị ngộ độc hay không khi dùng thuốc quá liều hoặc dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc (dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm...), nhất là người có tiền sử viêm gan cần đi khám bệnh.
Để tránh những tác hại của thuốc tới gan, người bệnh cần hết sức tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, không được lạm dụng và tự ý mua và tự ý dùng thuốc. Nếu có biểu hiện bất thường, cần đi khám sớm.
Một số thói quen hàng ngày có thể làm hại gan
Trong cuộc sống hàng ngày, có những thói quen thực sự vô cùng có hại cho gan mà chúng ta không hề nhận ra. Nếu bạn có những thói quen này trong cuộc sống thì hãy loại bỏ ngay đi để gan của mình được khỏe mạnh hơn.
1. Uống rượu
Với liều lượng vừa phải, uống rượu có thể có ít ảnh hưởng đến gan nhưng khi tiêu thụ quá mức và thường xuyên, nó có thể bắt đầu làm tổn hại gan của bạn dần dần. Gan chịu trách nhiệm làm sạch và đào thải độc tố. Vì vậy, khi bạn uống quá nhiều, cơ quan này càng phải làm việc chăm chỉ gấp đôi. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chức năng làm sạch của gan bị suy giảm. Sự hấp thu của rượu ở gan gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan. Tốt nhất bạn nên hạn chế uống rượu triệt để, hoặc nên chọn rượu vang thay cho các loại rượu mạnh.
2. Hút thuốc
Mặc dù khói thuốc lá không có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan, nhưng hóa chất độc hại trong khói thuốc lá làm tăng căng thẳng oxy hóa tới tất cả các bộ phận cơ thể, bao gồm cả gan, gây tổn hại đến các tế bào gan.
3. Bổ sung dinh dưỡng quá nhiều
Bổ sung quá nhiều dinh dưỡng hoặc có chế độ ăn uống thừa chất, không theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ làm sản xuất quá tải một số men gan nhất định để xử lý lượng dưỡng chất dư thừa đó. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến gan. Đặc biệt, một nguyên nhân nổi tiếng của nhiễm độc gan là do người bệnh bổ sung quá liều vitamin A.
4. Thường xuyên thiếu ngủ
Người bị thiếu ngủ lâu dài, thức khuya quá mức dễ dẫn đến bệnh gan, bởi vì chỉ có trong giấc ngủ, các cơ quan của cơ thể mới có thể bắt đầu tiến hành chế độ tự sửa chữa, nếu lâu dài thức khuya sẽ không chỉ dẫn đến thiếu ngủ, hệ thống phòng thủ cơ thể bị suy yếu, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tự sửa chữa vào ban đêm của gan.
5. Ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn
Nhiều thực phẩm chế biến sẵn có chứa một lượng lớn các chất làm ngọt nhân tạo, chất tạo màu, chất bảo quản. Nếu bạn ăn nhiều các thành phần này vào cơ thể sẽ rất khó để tiêu hóa và phân hủy, do đó sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, gây tổn thương gan.
Làm thế nào để giữ gan khỏe mạnh?
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh bằng cách tránh thức ăn béo và ở phù hợp. Thay thế thức ăn vặt bằng thực phẩm lành mạnh từ tất cả các nhóm thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, các sản phẩm sữa và rau quả.
- Tập thể dục thường xuyên để đốt cháy chất béo dư thừa, nếu bạn đang thừa cân.
- Trước khi dùng bất cứ loại thuốc, hãy tìm hiểu cảnh báo tác hại của chúng đối với trên nhãn sản phẩm. Dùng thuốc theo liều lượng khuyến cáo của bác sĩ. Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn nếu bạn đang uống nhiều loại thuốc cho các điều kiện khác nhau để đảm bảo chúng không làm tổn hại gan của bạn.
- Giữ vệ sinh tốt đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm virus.
- Uống nhiều nước, tránh uống nước có ga, đồ uống chứa caffein, cồn và bỏ hút thuốc... cũng có tác dụng giúp gan khỏe mạnh hơn.
Theo T.L (Helino)