Uống thuốc giảm đau, sẽ tăng nguy cơ đột quỵ?

06/09/2018 09:27:09

Nghiên cứu mới của Đan Mạch phát hiện loại thuốc giảm đau, kháng viêm rất thường được kê cho người bệnh khớp, đau lưng – diclofenac – làm tăng đến 50% nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Diclofenac có tên thương mại phổ biến là Voltarol hay Voltaren, là một loại thuốc giảm đau, kháng viêm phổ biến, thường được kê cho bệnh nhân đau lưng, đau khớp và một số trường hợp nhức đầu nặng.

Uống thuốc giảm đau, sẽ tăng nguy cơ đột quỵ?
Thuốc giảm đau Diclofenac làm tăng tới 50% nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim - 2 tai biến sức khỏe chết người - ảnh minh họa từ Internet

Nghiên cứu do giáo sư Morten Schmidt, thuộc Bệnh viện Đại học Aarhus (Đan Mạch) thực hiện đã khảo sát hơn 1,37 triệu người dùng Diclofenac, đối chiếu thêm gần 3,88 triệu người dùng thuốc giảm đau khác là Ibuprofen, 291.490 người dùng Naproxen, 764.781 người dùng Paracetamol và nhiều người không uống thuốc. Những người được khảo sát đều là người khỏe mạnh, không có bệnh ác tính, tâm thần hay các vấn đề về tim, thận, gan, viêm loét.

Kết quả cho thấy chỉ sau 30 ngày dùng Diclofenac, nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ của các tình nguyện viên đã tăng đến 50% so với những người hoàn toàn không uống thuốc. Nguy cơ mà Diclofenac gây ra cũng cao hơn 20% so với nhóm dùng Ibuprofen và hơn 30% so với người dùng Naproxen.

Nghiên cứu được khởi động vào năm 1996 và kéo dài suốt nhiều năm để các nhà khoa học có thể kiểm tra chính xác khả năng xảy ra đau tim và đột quỵ trên các tình nguyện viên sau nhiều năm.

Cho dù các nguy cơ do lạm dụng thuốc giảm đau đã được cảnh báo từ lâu nhưng việc một loại thuốc làm tăng quá mạnh nguy cơ 2 vấn đề sức khỏe gây chết người hàng đầu đã làm các chuyên gia chấn động. "Đã đến lúc phải thừa nhận nguy cơ sức khỏe tiềm tàng của Diclofenac và giảm sử dụng nó" – giáo sư Schmidt nói.

Theo tờ The Sun, loại thuốc này đang được rút dần khỏi các quầy hàng tại Anh bởi trước khi nghiên cứu mới khẳng định thông tin trên, người ta đã bắt đầu lo ngại vì các tác dụng phụ nghiêm trọng nghi do sử dụng loại thuốc này.

Công trình vừa được công bố trên tạp chí y học danh tiếng British Medical Journal (BMJ).

Theo Anh Thư (Nld.com.vn)