Phụ nữ thật sự không sợ lấy chồng nghèo, họ chỉ sợ lấy phải người chồng vô tâm, không chịu thấu thiểu và chia sẻ với vợ. Có những chuyện thật đơn giản và hiển nhiên nhưng nhiều khi người đàn ông luôn cố tình không muốn hiểu cho vợ họ.
Lệ (32 tuổi) chia sẻ vợ chồng cô kết hôn được 3 năm và đã sinh được một bé gái vừa tròn 7 tháng tuổi. Hiện tại Lệ vẫn ở nhà trông con, cô dự định sau khi cai sữa bé mới đi làm lại.
"Hàng tháng chồng đưa cho tôi 8 triệu để chi tiêu sinh hoạt cho cả nhà, trên tổng số mức lương 15 triệu của anh ấy. Trong đó tôi phải nộp tiền nhà cộng với điện nước là 2.5 triệu, tiền bỉm sữa của con và ăn uống, sinh hoạt của cả hai vợ chồng nữa. Nói chung phải chi tiêu khá tính toán thì mới vừa hay đủ, chỉ cần vung tay mua cho con bộ quần áo đẹp thôi là tôi lại phải cắt xén các khoản chi khác bù sang, chứ nào được rộng rãi, dư dả gì", Lệ nói.
Ấy vậy nhưng Khoa - chồng Lệ, cho rằng con số 8 triệu anh đưa cho vợ là rất nhiều rồi. Hỏi thăm mới biết bạn bè, đồng nghiệp của họ chẳng ai đưa cho vợ được 8 triệu/tháng cả, may lắm thì 5, 6 triệu. Thậm chí có người còn mang về cho vợ được 2, 3 triệu, cá biệt có ông chồng chẳng hề đưa cho vợ đồng nào mà vợ họ vẫn vui vẻ bình thường.
Mỗi lần nghe Lệ than thở chuyện chi tiêu tốn kém là Khoa lại cho rằng vợ "sướng chẳng biết đường sướng" hoặc "không biết tiết kiệm, chẳng có đầu óc tính toán". Nếu chỉ vậy thì Lệ cũng đành nín nhịn cho nhà cửa êm ấm. Thế nhưng điều khiến Lệ ấm ức và bức xúc là mỗi lần Khoa về quê, anh sẽ đưa cho vợ tờ giấy ghi kín cả trang quà cáp rồi bảo vợ đi mua.
"Nhớ sắm cho đầy đủ, không được sót món nào đâu đấy", Khoa nghiêm giọng nhắc nhở Lệ. Tất nhiên Khoa không đưa tiền, bởi anh cho rằng mỗi tháng đưa cho Lệ từng ấy, cô phải có ý thức để ra một khoản tiết kiệm. Số tiền dành dụm ấy chính là để dùng cho những trường hợp như thế này.
"Một, hai lần đầu tôi thanh minh, giải thích, thậm chí đưa cả bảng chi tiêu ghi chép cụ thể trong tháng ra cho chồng xem. Song anh ấy không buồn nhìn đã gạt đi ngay. Chồng tôi bảo anh ấy là đàn ông không quan tâm đến những chuyện vụn vặt, tủn mủn này. Tiền có từng ấy, nếu tôi không để được ra xu nào thì nghĩa là tôi kém cỏi, không biết chi tiêu. Còn ra lệnh cho tôi muốn làm thế nào thì làm, đồ anh ấy cần mua mang về quê biếu xén bố mẹ và họ hàng phải có đủ", Lệ chia sẻ.
Dẫu ấm ức vô cùng nhưng Lệ không biết phải làm sao cho chồng hiểu rằng 8 triệu anh đưa thật ra chẳng nhiều nhặn gì. Tháng ấy mà con ốm phải đi viện thì coi như tiền ăn bị thâm hụt, lần nào ra chợ cô cũng phải tần ngần đứng rất lâu chẳng biết mua gì.
Nghĩ đi nghĩ lại Lệ đành đi vay tiền để mua đồ cho chồng về quê mỗi lần như vậy. Khoảng 2 tháng Khoa sẽ về quê 1 lần, mỗi lần mua sắm cũng cỡ vài triệu. Lệ tự an ủi mình rằng, thôi coi như đó là tiền cô đóng góp cho gia đình, đợi con lớn đi làm lại thì tình trạng này cũng sẽ chấm dứt.
Đợt vừa rồi Lệ mới cai sữa con và bắt đầu nộp hồ sơ xin việc đi làm lại. Khi cô còn chưa tìm được việc thì Khoa lại có chuyến về quê, Lệ câm lặng nhìn tờ giấy chồng đưa như thường lệ, tờ giấy A4 ghi ghép kín mít những thứ anh cần. Lệ để ý dường như danh sách này càng ngày càng dài ra thì phải.
Tháng vừa rồi Lệ bị ốm, con cũng ốm, tiền Khoa đưa không đủ, cô đã phải đi vay rồi. Chán nản cùng cực, Lệ quyết định không nín nhịn nữa, bởi hình như cô càng "biết điều" thì Khoa lại cho rằng mình đúng và càng được nước lấn tới.
2 hôm sau Khoa về quê theo kế hoạch, anh cứ nghĩ sẽ có đủ thứ mình cần như mọi lần. Ai ngờ trước lúc lên đường mà Lệ vẫn chưa mua sắm gì, anh tức giận chất vấn thì Lệ đặt vào tay anh 8 triệu đồng kèm lời tuyên bố:
"Từ tháng tới anh cầm 8 triệu rồi chi tiêu nhé. Tôi được nhận đi làm rồi nên sẽ đưa tiền cho anh. Đấy, tôi lo cho kinh tế cả nhà luôn, chẳng cần anh phải đóng góp gì. Nhớ chi tiêu tiết kiệm để mỗi lần tôi về quê còn có tiền sắm đồ cho vợ nhé".
Lệ tâm sự: "Chồng tôi tức điên, ném tiền rơi tung tóe rồi trách móc, lên án vợ đủ điều. Tôi nói thẳng anh ấy không chấp nhận thì mỗi người mỗi ngả là cách duy nhất. Nghe vậy chồng tôi hậm hực tuyên bố sẽ cầm tiền chợ. Chuyện sau đó thì không cần phải nghĩ cũng biết, chẳng qua nhiều khi các ông chồng cố tình không muốn hiểu mà thôi. Về sau chồng tôi nài nỉ vợ tay hòm chìa khóa mà tôi từ chối. Vợ chồng tôi lập quỹ chung, hai người cùng quản lý và chi tiêu, buộc anh ấy phải tham gia vào chuyện trong nhà, để chuyện cũ không còn lặp lại nữa".
Chuyện tài chính trong gia đình, nhiều khi có thể gây ra rạn nứt tình cảm vợ chồng, thậm chí làm đổ vỡ cả một cuộc hôn nhân. Hy vọng mỗi người có thể thấu hiểu, nhường nhịn để vợ chồng tìm ra được tiếng nói chung, từ đó giữ nhà cửa luôn êm ấm, hạnh phúc.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)