Không ít đàn ông đi làm kiếm tiền còn vợ ở nhà trông con luôn tự cho mình "trên cơ" vì nghĩ vợ "ăn bám" chồng. Họ thiếu tôn trọng trong cách cư xử, thậm chí còn khiến người vợ phải chịu tổn thương.
Tư tưởng vợ đã ở nhà trông con thì không được để con ốm
Quang (32 tuổi) tâm sự anh và Loan kết hôn được 2 năm nay. Sau đám cưới cô sớm có thai và con trai đầu lòng của họ hiện tại vừa tròn 1 tuổi.
"Gia đình hai bên đều ở quê, bố mẹ tôi thì ốm yếu còn bố mẹ vợ vẫn bận rộn với công việc. Chúng tôi xác định không nhờ ông bà lên trông cháu hộ. Cũng chẳng yên tâm giao cho người ngoài khi con còn quá nhỏ, vợ tôi ở nhà trông con, chờ bé cứng cáp hơn gửi trẻ được thì đi làm lại", Quang kể.
Quang cho rằng bản thân anh đã vất vả, cực nhọc kiếm tiền lo cho gia đình thì Loan cũng phải làm thật tốt phận sự của mình. Cũng bởi tư tưởng ấy mà mỗi lần thấy vợ kêu ca mang bầu mệt mỏi, Quang lại vặn hỏi: "Chỉ mình em mệt, còn anh đi làm không mệt chắc? Phụ nữ ai chẳng mang thai, em cứ làm như chuyện gì ghê gớm lắm!".
Khi con chào đời, Quang phó mặc chuyện cho vợ, bởi trách nhiệm của anh là đi làm kiếm tiền. Đêm hôn con quấy khóc, Loan phải một mình bế ẵm, Quang thậm chí còn sang phòng khác ngủ cho yên tĩnh.
Ngoài 6 tháng bắt đầu ăn dặm, bé nhà Quang hay bị ốm vặt. Mỗi lần nhìn con ho sốt, anh rất giận vợ không biết chăm con để bé ốm. "Có mỗi việc ở nhà với con cũng không xong, để thằng bé ốm đau gầy còm chẳng lớn được", mỗi lần con ốm là Quang lại giận dữ trách vợ như thế.
"Món quà" tê tái từ mẹ vợ
Cách đây ít lâu mẹ vợ Quang từ quê lên thăm con cháu, mang cho vợ chồng anh rất nhiều quà quê. Bà ở chơi 3 ngày, ai ngờ sau khi mẹ Loan về quê thì Quang bỗng nhận được 10 triệu bà chuyển khoản.
"Lúc ấy tôi không rõ mẹ vợ gửi tiền làm gì, sau đó nghĩ bà cho hai vợ chồng nên vui mừng gọi điện cảm ơn. Để rồi câu trả lời của bà khiến tôi phải hóa đá", Quang cho biết.
"Từ giờ mỗi tháng tôi sẽ chuyển cho anh 10 triệu, anh ở nhà trông con cho cái Loan đi làm, coi như đó là tiền con gái tôi nuôi gia đình. Anh đi làm cũng đâu đưa cho vợ được 10 triệu/tháng đúng không? Tôi sẽ gửi tiền tới khi công việc của vợ anh ổn định thì thôi, anh có đồng ý không? Để xem anh trông con tốt hơn không, hay là trẻ con bị ốm vặt là chuyện rất bình thường?", mẹ vợ Quang nói với con rể.
Hóa ra trong thời gian mẹ vợ lên chơi, Quang vẫn chẳng ngại ngần ngay trước mặt bà chê trách vợ ở nhà mà để con ốm bệnh. Trong khi đó anh phải tất tả ngược xuôi mới kiếm được tiền lo cho gia đình. Mẹ Loan không hài lòng khi con rể thiếu tôn trọng vợ, coi thường công sức của Loan nên mới làm vậy để "dằn mặt" Quang.
Quang nói: "Luôn chê vợ ở nhà nhàn hạ nhưng khi mẹ vợ đưa ra yêu cầu ấy thì tôi lại không dám nghỉ việc để làm điều dễ dàng đó. Thật sự là chẳng ai muốn từ bỏ công việc để ở nhà. Làm vậy sẽ mất đi chỗ dựa, chẳng còn gì trông vào. Đó là cả một sự hi sinh to lớn. Chưa nói chăm sóc trẻ nhỏ chẳng hề 'ngon ăn' như tôi nghĩ, bạn bè tôi nhà ai có con nhỏ cũng đều trải qua tình trạng tương tự...".
Quang không dám nhận tiền của mẹ vợ để ở nhà trông con, vội vã chuyển trả lại bà. Anh cũng hiểu ra bản thân đã quá đáng trong cách cư xử với vợ. Chắc hẳn thời gian qua Loan phải chịu đựng rất nhiều để gia đình được yên tấm.
Anh còn thầm cảm ơn mẹ vợ đã cho anh một bài học "sáng mắt", để gìn giữ được tình cảm vợ chồng. Chỉ sợ nếu Quang vẫn đối đãi với Loan như trước, tình cảm của hai người sẽ sớm rạn nứt.
Nói về khía cạnh đóng góp cho gia đình, tiền bạc chỉ là một phần, còn lại là công sức và thời gian cùng bao tâm tư tình cảm dành cho mái ấm. Chồng đi làm kiếm tiền, vợ chăm sóc con cái và nhà cửa, công lao đều quan trọng và to lớn như nhau. Mỗi người hãy biết san sẻ, thông cảm và động viên đối phương, có như vậy hạnh phúc gia đình mới được bền lâu.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)