Uống nhiều thuốc bổ, ăn nhiều trứng ngỗng nhưng con vẫn còi
Chị Hoàng Thị Lan (28 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, cách đây gần 6 tháng khi con gái chị chào đời, bác sĩ thông báo bé bị nhẹ cân (khi chào đời chỉ nặng 2.8kg), mặc dù sinh đủ ngày, đủ tháng.
Khi nghe tin, không chỉ có chị Lan mà mọi người trong gia đình ai cũng sốc và không tin đó là sự thật. Lý do là trước đó, trong suốt quá trình mang thai, chị Lan được chăm sóc dinh dưỡng rất kỹ lưỡng.
“Trong suốt thời kỳ mang thai, tôi tăng tổng cộng 11kg và trước khi sinh vài ngày, đi siêu âm bác sĩ dự đoán là thai nặng khoảng 3.1kg. Ấy vậy mà khi chào đời con tôi được có 2.8kg và bác sĩ nói với cân nặng như vậy, con tôi thuộc nhóm trẻ thiếu cân cấp 1”, chị Lan kể lại.
Theo chia sẻ của chị Lan, trong thời kỳ mang thai chị theo dõi thai kỳ tại một phòng khám tư và được các bác sĩ khuyên bổ sung thuốc bổ (chủ yếu là sắt và canxi). Không chỉ có vậy chị còn thường xuyên uống sữa bà bầu và sử dụng những loại thực phẩm tốt cho bà bầu.
Chị Lan cho biết, chị đã ăn khoảng 6-7 quả trứng ngỗng và mỗi ngày uống 1 viên sắt, canxi theo hướng dẫn của bác sĩ. “Mục đích của tôi uống các loại thuốc bổ, hay ăn trứng ngỗng nhiều hơn những bà bầu khác là mong sau này sinh con ra có cân nặng tương đối (khoảng 3,5kg) để nuôi sẽ dễ hơn. Nhưng không ngờ…”, chị Lan chia sẻ.
Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của con gái hiện tại, chị Lan cho biết sau gần 6 tháng con chị hiện đã được hơn 7kg, phát triển bình thường và đang bắt đầu thời kỳ ăn dặm.
Đa số phụ nữ mang bầu đều dùng thuốc bổ sai
Theo các chuyên gia, những trường hợp như của chị Lan hiện nay không phải là hiếm. Tâm lý chung của các gia đình hiện nay là ai cũng muốn sinh con ra phải có cân nặng đạt chuẩn (khoảng 3.4kg) và sau này con sẽ thông minh. Chính vì thế, nhiều người không tiếc tiền đầu tư cho con ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh– GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, đa số các đơn thuốc dành cho phụ nữ mang thai mà bản thân ông nhìn thấy hàng ngày đều không đạt yêu cầu.
“Hiện nay vẫn phổ biến tình trạng bác sĩ kê đơn cho tất cả các thai phụ, từ người mới có thai hay đã mang thai ở cuối thai kỳ, thậm chí cả phụ nữ sau sinh đều được kê những đơn thuốc giống hệt nhau. Phổ biến là gồm 1 viên sắt, 1 viên canxi hay 1 viên dinh dưỡng tổng hợp”, PGS Ánh nói.
Theo PGS Ánh, ở mỗi giai đoạn của thai kỳ cũng như trước và sau khi sinh, người phụ nữ cần lượng dinh dưỡng, hàm lượng sắt, canxi, vitamin… rất khác nhau. Thế nhưng thực tế, nhiều bác sĩ kê đơn cho thai phụ rất tùy tiện. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm đối với cả mẹ và bé.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh lưu ý, khi chăm sóc, kê đơn thuốc, dinh dưỡng bổ sung cho phụ nữ mang thai và sau sinh, bác sĩ phải căn cứ vào tùy từng trường hợp người bệnh cụ thể chứ không thể áp dụng chung một đơn thuốc cho tất cả. Và không thể nói chỉ cần bổ sung thêm một loại thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ sung là đủ dinh dưỡng cho mọi thai phụ.
Riêng đối với vấn đề ăn trứng ngỗng con thông minh hơn, Ths Nguyễn Hoàng Anh, chuyên gia dinh dưỡng (Giảng viên trường đại học Y Hà Nội) cho biết, nhiều gia đình ép bà bầu phải ăn nhiều trứng ngỗng để con thông minh. Đây là điều vô cùng sai lầm, thậm chí là gây hại cho thai phụ vì vấn đề chăm sóc dinh dưỡng không đồng đều.
“Hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào khẳng định phụ nữ mang thai nếu ăn trứng ngỗng thì con thông minh, hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác. Đó chỉ là quan niệm dân gian”, Bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Để thai nhi phát triển toàn diện, các chuyên gia cho rằng, khi mang thai người phụ nữ nên bổ sung dinh dưỡng theo từng chu kỳ mang thai, tốt nhất là nên có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng, chứ không nên tùy tiện uống bất kể loại thuốc nào.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)