Bà bầu phải hủy thai kỳ do biến chứng từ chiếc răng khôn mọc lệch

20/11/2017 13:57:00

Răng khôn mọc lệch khiến chị Hà 24 tuổi (Hà Nội) bị sưng đau, do mang thai nên cố chịu, đến lúc đi khám thì đã biến chứng nặng.

Chị Hà mang bầu được 6 tuần thì mọc răng khôn ở hàm dưới bên trái gây đau đớn. Chị cố chịu, không đi khám, không uống thuốc vì sợ ảnh hưởng thai nhi. Sau một tuần, chỗ mọc răng sưng to, chị mới đến bác sĩ khám.

Bà bầu phải hủy thai kỳ do biến chứng từ chiếc răng khôn mọc lệch

Thạc sĩ Trần Phương Bình, khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng không há được miệng do cứng hàm, má xuất hiện lỗ thủng và có nhiều mủ chảy ra từ phía trong. Chỗ sưng viêm có thức ăn ứ đọng lâu dần sưng to, chảy mủ. Thai phụ bị áp xe cơ cắn nên không há miệng được.

Bệnh viện phải hội chẩn với bác sĩ sản khoa, quyết định đình chỉ thai kỳ để điều trị bởi bệnh nhân phải dùng thuốc gây mê và nhiều kháng sinh. Kíp phẫu thuật đã mổ dẫn lưu dịch mổ, nhổ răng số 8 mọc lệch cho bệnh nhân và điều trị kháng sinh liều cao suốt 10 ngày.

Răng số 8 còn gọi là răng khôn, mọc sau cùng ở người trưởng thành trong độ tuổi 18-30. Khoảng cách giữa răng số 7 và cạnh trong cùng của xương hàm sẽ quyết định răng khôn mọc như thế nào. Nếu khu vực này còn chỗ, chiếc răng số 8 sẽ mọc thẳng bình thường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi thiếu chỗ, răng sẽ không mọc hoặc mọc lệch dẫn đến nhiều biến chứng đau đớn. Nhẹ thì người bệnh sẽ bị viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu cổ răng, tình trạng nặng hơn thì viêm tấy lan tỏa dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo, khi mọc răng khôn nếu bị đau sưng, người bệnh nên đến nha sĩ khám. Phụ nữ trước khi có bầu nếu phát hiện răng khôn mọc lệch, mọc dưới lợi, mọc trong xương, cần phải được xử lý sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Phương Trang (VnExpress.net)

Nổi bật