Tại Bệnh viện K đã ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh chiến thắng ung thư hàng chục năm, có những người coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai, nơi không chỉ đơn thuần là bệnh viện điều trị ung thư, có bác sĩ tận tâm điều trị, mà còn có sự sẻ chia niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày. Một trong số những người như thế là bác Trần Thị Chiêm (66 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) - bệnh nhân luôn kiên cường, lạc quan chiến đấu chống lại bệnh tật, một lòng tin tưởng vào các y bác sĩ, đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác đến 4 lần.
Ngày 1/7/1996, bác Chiêm phát hiện mình bị ung thư tuyến nước bọt được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. Bác còn nhớ như in những bác sĩ điều trị lúc bấy giờ là BS. Thanh, BS. Bảo và BS. Hợp. Sau khi phẫu thuật được khoảng 20 ngày bác được chuyển sang khoa Xạ đầu cổ để tiến hành xạ trị. Tại đây, BS. Ngô Thanh Tùng đã điều trị và đồng hành cùng bác trong suốt 23 năm.
Bác nhớ lại “Khi mới mổ, bác vô cùng đau đớn và khó chịu, tuyến nước bọt tê liệt và hỏng tủy răng. Sau đợt điều trị kéo dài 3 tháng và vượt qua chuỗi ngày bế tắc ấy, nhận được sự chăm sóc tận tình từ các y bác sĩ, sự chia sẻ và yêu thương từ gia đình, bác đã có cách nhìn khác về cuộc sống, con người. Bác đón nhận mọi điều nhẹ nhàng hơn, không còn tâm lý nặng nề như ngày đầu phát hiện bệnh nữa”.
Sự chăm sóc, biết ơn của mình đến những người thầy thuốc, bác đã truyền tải thành câu từ gửi bức thư tri ân đến Bộ trưởng Bộ Y tế vào năm 1997. Bác muốn cảm ơn tập thể cán bộ, y bác sĩ nói chung, Bệnh viện K nói riêng vì những sự hi sinh âm thầm, lặng lẽ, ngày đêm chăm sóc người bệnh ung thư – những người luôn mang tâm lý nặng nề....
Bác ổn định đến năm 2003 thì phát hiện bướu ở cổ và một lần nữa bác lại tin tưởng y bác sĩ của Bệnh viện K phẫu thuật. Sau quãng thời gian điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và những hoạt động thể thao tích cực, bác lấy lại sức khỏe và tiếp tục công việc của mình. Tuy trong mình mang căn bệnh ung thư nhưng bác vẫn luôn lạc quan và yêu đời. Bác vẫn theo đuổi việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2007 là năm bác Chiêm nhận được tấm bằng Tiến sĩ Báo chí, cùng năm đó bác phát hiện khối u hạch trong miệng và lại nhập viện K điều trị.
Ngày 9/5/2019, phát hiện có u và hạch tế bào lạ bất thường ở chân, bác Chiêm tiếp tục nhập viện vào khoa Ngoại bụng 2 để mổ một lần nữa, đánh dấu 4 lần điều trị thành công của bác ở Bệnh viện K. Bốn lần đứng trước cửa tử, nhưng lần nào bác Chiêm cũng đối diện với nó bằng tinh thần thép và niềm tin vững vàng vào y học nước nhà.
Bác Chiêm chia sẻ: “Đội ngũ y bác sĩ, thầy thuốc đã để lại những dấu ấn rất tốt đẹp trong bác, bác tin yêu Bệnh viện K từ những phác đồ điều trị đúng đắn đến thái độ thân thiện, hết lòng vì người bệnh của các bác sĩ, y tá, ngoài cứu chữa cho người bệnh lại còn quan tâm đến đời sống của người bệnh có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ những suất cơm hàng ngày, món quà từ thiện, rồi đến những “Chuyến xe yêu thương” đưa người bệnh về quê ăn Tết cũng để lại trong bác nhiều xúc động".
Từ niềm tin với Bệnh viện mà mặc dù có đủ điều kiện để ra nước ngoài khám và điều trị, nhưng 23 năm qua bác vẫn một lòng tin tưởng vào Bệnh viện K. Bác đã từng giới thiệu và giúp đỡ rất nhiều người có bệnh giống mình đến khám và điều trị tại Bệnh viện K.
Bác có 3 người con trai đều thành đạt, anh Nguyễn Thanh Tùng - người con thứ của bác Chiêm chia sẻ: “Để có được thành công trong cuộc sống như ngày hôm nay, 3 anh em tôi cảm ơn sự dũng cảm chiến đấu bệnh tật của mẹ mình, chính điều đó là nghị lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Cảm ơn các y bác sĩ đã cùng mẹ tôi chiến đấu vượt qua căn bệnh này để có được ngày hôm nay".
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K Trung ương, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh ung thư nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta như yếu tố di truyền và môi trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy khoảng 70% nguy cơ ung thư trong suốt cuộc đời con người là có thể phòng tránh được, trong đó có chế độ ăn uống..
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn uống lành mạnh; không hút thuốc lá; hạn chế uống rượu, giữ cân nặng vừa phải và tập thể dục thường xuyên là những lối sống tuyệt vời để ngăn ngừa ung thư.
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nhất là các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường...
Bạn hãy:
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn sản phẩm càng tự nhiên càng tốt, ví dụ, ăn một quả táo chưa gọt vỏ sạch tốt hơn là uống nước táo.
- Ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ: rau, ngũ cốc nguyên hạt.
- Nên ăn chất béo lành mạnh: như chất béo không no (cá hồi, dầu oliu, các loại hạt, bơ) và omega-3s; tránh các chất béo no như các sản phẩm chiên rán, hạn chế chất béo từ thịt đỏ và sữa.
- Hạn chế đường và tinh bột
- Hạn chế thịt chế biến sẵn (thịt hộp, xúc xích) và thịt đỏ (bò, lợn)
- Hạn chế chiên, xào, nướng ở nhiệt độ cao
- Không ăn thức ăn có dấu hiệu ôi, thiu, mốc- Đồ ăn cho vào lò vi sóng nên sử dụng giấy sáp (waxed paper), không nên dùng ni lông để bọc thức ăn.
- Hạn chế rượu, biaUng thư biết sớm trị lành. Người dân nên khám tầm soát phát hiện sớm bệnh và tin tưởng vào phác đồ điều trị của thầy thuốc, không tự ý điều trị bằng các phương pháp không chính thống.
Theo Lê Nguyên (Sức Khỏe & Đời Sống)