Mấy ngày nay đầu óc em căng thẳng, mệt mỏi với chồng quá các chị ạ. Chồng con đã chẳng được nhờ lại còn thêm gánh nặng.
Các cụ có câu “Vợ chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn”. Em với lão nhà em bằng tuổi, đúng là “nằm duỗi” ăn thật, có điều người được “nằm” là lão, em thì long đong đứng ngồi, siêu vẹo lo kinh tế.
Chồng em thuộc dạng đàn ông không có chí, chỉ thích ngồi không đợi sung rơi đúng miệng. Bằng cấp đã không có, chỉ tốt nghiệp trường nghề nhưng lúc nào cũng thích làm lớn, xin đâu cũng nhắm vị trí bàn giấy đòi chỉ đạo người ta nên chẳng chỗ nào nhận.
Chính vì thế mà kinh tế gia đình mình em cáng đáng lo toan. Lúc trước chỉ có hai vợ chồng em còn gánh được, giờ thêm đứa con, nhà lại đi thuê, em cứ gọi là nai lưng cày cuốc ngày đêm mới đủ lo chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Nhiều lần vợ chồng căng thẳng nói về chuyện đi làm của lão. Thuyết phục mãi chồng em mới chịu tới làm thợ cho một xưởng cơ khí chỗ người quen của em. Tuy có xa một chút nhưng đổi lại lương lậu người ta trả cũng được 14 triệu một tháng, đỡ đi gánh nặng cho em rất nhiều.
Nói hết nước hết cái chồng em mới chịu đi làm. Em vừa thở phào nhẹ nhõm được 1 tí, ai ngờ mới đi được vài hôm lão lại về yêu cầu vợ phải mua ô tô cho chạy thì mới đi làm tiếp. Anh ta bảo chỗ này quá xa, đi 2 bánh không an toàn. Quan trọng hơn là sĩ diện hão:
“Ở đây 50 % họ đi làm bằng ô tô, chỉ có công nhân đi xe máy. Anh không thể sáng nào cũng è è phóng con xe số cũ tới công ty. Mất mặt lắm, đường đường mình cũng là người thủ đô, ai lại chạy xe máy, còn gì thể diện”.
Thật sự thái độ đua đòi trẻ trâu hết sức của chồng làm em ớn không tả nổi, mà giải thích cỡ nào lão cũng không chịu cho vào tai. Trong khi tiền vợ chồng không có, lão đòi vay bố mẹ hai bên, bảo khi nào có sẽ trả. Em bực lên bảo:
“Anh lấy gì mà trả họ. Lương mười mấy triệu, tiền đổ xăng, gửi xe đã hết sạch sẽ rồi. Đấy là con cái, ăn uống sinh hoạt em lo hết đó”.
Lão nghe thế lại quay sang bảo em khinh chồng, coi thường lão. Thế là vợ chồng cãi nhau ầm ĩ. Nghĩ thật sự chán các chị ạ. Đã nghèo lại gặp phải cảnh chồng dở hơi, sĩ diện. Không biết bao giờ em mới thoát khỏi cái kiếp khổ này nữa.
Theo NQ (2Sao/VietNamNet)