Nữ luật sư 29 tuổi đang khỏe mạnh bỗng bị tử vong sau một lần mắc bệnh cúm
Cộng đồng phía Bắc Carolina đang vô cùng thương tiếc một luật sư 29 tuổi tử vong do các biến chứng liên quan đến cúm vì giới chuyên gia khẩn cấp kêu gọi người dân đi chủng ngừa cúm trước khi mùa cúm bắt đầu.
Theo ABC 11, Scarlett VanStory Levinson - luật sư tại công ty luật Levinson & Axford - bị bệnh cúm trong gần 10 ngày trước khi cô tập thể dục để tăng cường sức khỏe và quay lại làm việc như bình thường. Chồng cô sau đó đã tìm thấy Levinson bất tỉnh trong phòng tắm và người phụ nữ đã tử vong vì biến chứng bệnh cúm vào ngày 2 tháng 10.
"Tin này thực sự quá sốc, giờ đây tôi vẫn không tin đó là sự thật vì cô ấy là một người phi thường, tài giỏi ở tất cả những việc đã trải qua", một người bạn làm cùng nữ luật sư chia sẻ với nhà đài.
Trang LinkedIn cho biết, Levinson có bằng về sinh học của Đại học North Carolina tại Chapel Hill và tiếp tục nhận bằng luật tại Trường Luật Norman Wiggins tại Đại học Campbell năm 2013. Cô mở công ty riêng chỉ một năm sau đó.
"Scarlett là một thành viên đáng kính và được trân quý vô cùng trong công ty vì lòng hảo tâm, trí thông minh và trái tim rộng lớn của cô ấy. Chúng tôi đã mất đi một người bạn tuyệt vời, một đồng nghiệp, một đối tác…", hãng cho biết trong một tuyên bố theo tờ Daily Record ghi lại.
ABC 11 báo cáo, trong tiểu bang cho đến nay ghi nhận thêm 2 người khác chết do bệnh cúm, một người là giám hiệu trường học vào tháng trước và một người cao tuổi vào đầu tháng 10.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Cdc ước tính, bệnh cúm đã gây ra từ 9 triệu đến 35 triệu người mắc bệnh mỗi năm ở Mỹ kể từ năm 2010. Trong khi thật khó để xác định có bao nhiêu người đã chết vì căn bệnh này, trung tâm ước tính rằng tử vong liên quan đến cúm là 12.000 người (năm 2011), lên 56.000 người (năm 2012 và năm 2013).
Mặc dù mùa cúm thường bắt đầu vào tháng 10 nhưng nó phổ biến nhất trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Một báo cáo được chính phủ công bố tại Mỹ cho biết dịch cúm năm ngoái nặng nề như dịch cúm lợn năm 2009.
Đừng chủ quan với bệnh cúm, hãy tiêm chủng càng sớm càng tốt
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), bệnh cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe. Tại Việt Nam, các virus gây nên bệnh cúm thường gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.
Theo BS Dũng, căn bệnh này có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường trở nên phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, người già, người làm việc cường độ cao, người đang mắc phải một số bệnh mãn tính, khả năng chống chọi virus, vi khuẩn yếu kém hơn những người khác. Nhóm bệnh nhân mắc cúm có diễn biến thất thường nhất, đáng lo ngại nhất là nhóm những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh về phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Đặc biệt là nhóm bệnh nhân có vấn đề sẵn ở đường hô hấp, khi mắc cảm cúm, các triệu chứng của bệnh mãn tính càng được thể bùng phát và diễn biến nặng nề hơn, thậm chí là tử vong. Do đó, đừng bao giờ nghĩ chỉ một cơn cảm cúm xoàng thì chẳng có nghĩa lý gì với sức khỏe con người.
Điều vô cùng đáng lo ngại hiện nay chính là người dân luôn có suy nghĩ nhầm lẫn giữa cảm cúm với cảm lạnh thông thường. Để phân biệt, bác sĩ Dũng lưu ý, các triệu chứng của bệnh cảm cúm nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.
Nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức so với bình thường, chuyên gia khuyên người dân nên nhập viện càng sớm càng tốt. Nếu thấy xuất hiện hiện tượng sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, đau ngực, khó thở… thì càng phải đến viện sớm. Đây chính là những biến chứng cực nguy hiểm của bệnh cảm cúm, không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Giới chuyên gia khuyến cáo nên chủng ngừa vì nó có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm virus từ 10-60%. Nên rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, liên hệ với bác sĩ ngay khi bạn bị cúm, không đi làm hoặc đi học khi thấy có những triệu chứng của bệnh cúm, nghỉ ngơi thoải mái và luôn uống đủ nước.
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)