Cả nhà quay cuồng vì cúm
Chị Hoàng Thị Thơm (ở Hà Nội) chia sẻ, chỉ trong có một tuần mà cả nhà chị cả 4 người đều ốm. Ban đầu chị bị sốt virus, điều trị chưa khỏi thì đến lượt cô con gái, chồng rồi đến cậu con trai. Thấy con sốt, mua thuốc cho con uống không đỡ, gia đình liền đưa vào viện kiểm tra thì bác sĩ cho biết cháu đã có biến chứng viêm phổi vì cúm mùa. Vậy là, cả nhà quay cuồng vì bệnh.
Bệnh cúm thường hầu như ai cũng mắc, với các virus gây bệnh cúm mùa ở nước ta hay gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh tuy lành tính và dễ chữa khỏi, nhưng đã làm 5 bệnh nhân phía Nam tử vong vì cúm mùa bình thường. Ca tử vong đầu tiên là nữ bệnh nhân mới 26 tuổi ngày 8/6, từ đó tới nay đã có thêm 4 bệnh nhân tử vong (1 bệnh nhân 46 tuổi ở TP Hồ Chí Minh, 1 ca 56 tuổi ở Vĩnh Long, 1 bệnh nhân 31 tuổi ở Bến Tre, 1 cụ ông 69 tuổi ở Cà Mau).
BS Quang Tùng (Phòng khám Bệnh viện E, Hà Nội) cho biết, bệnh cúm mùa có quanh năm, tăng mạnh khi giao mùa thu sang đông, khi trời lạnh. Thời điểm mắc cúm cao nhất là từ đầu tháng 8 -10 và kéo dài tới hết mùa xuân. Những ngày thời tiết mưa nắng, ẩm ướt thì tỷ lệ người mắc bệnh cúm càng tăng.
Bệnh cúm lây lan nhanh, ảnh hưởng đến sinh hoạt nhưng vì bệnh tiến triển lành tính nên nhiều người chủ quan dẫn tới biến chứng nặng. Người bình thường cúm mùa có thể khỏi sau 2-7 ngày và không nguy hiểm như cúm A/H5N1 hay H7N9. Tuy vậy, không ít trường hợp đã tiến triển nặng thành viêm phổi, viêm xoang, viêm tai, viêm phế quản... với mức tổn thương lan tỏa. Có 1 - 4% số ca mắc cúm A/H1N1 tử vong do có kèm bệnh mãn tính nên dễ bị bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa tạng.
BS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, cúm thường tuy lành tính nhưng nếu thai phụ mắc phải có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Phụ nữ mang thai mắc cúm có thể sinh con bị dị dạng như: Sứt môi, hở hàm ếch, thừa ngón tay, chân… Trước đây, từng có nhiều thai phụ mắc cúm A/H1N1 khiến cả hai mẹ con tử vong.
Hiện đang là mùa bệnh cúm nên những người có nguy cơ mắc cao hơn do sức đề kháng, miễn dịch giảm như người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Trẻ nhỏ, bệnh diễn tiến rất nhanh và nặng nhưng vì thiếu kiến thức phòng tránh, chăm sóc nên hầu hết các trường hợp đến bệnh viện muộn, khi bệnh đã bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.
Nguy hiểm hơn khi tự dùng thuốc
Như nói ở trên đa số trường hợp bị cảm, sổ mũi thông thường có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần nhưng ít người chấp nhận không dùng thuốc để tự khỏi. Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay thuốc trị cảm sổ mũi khi có triệu chứng sốt và cảm cúm. Vì nghĩ cúm đơn giản nên có người còn tự ý tìm mua thuốc Tamiflu về để điều trị bệnh cúm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng, việc tự ý dùng thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn, khiến “bệnh chồng thêm bệnh”. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng Tamiflu. Dùng thuốc này cần dùng đúng theo chỉ định của thầy thuốc. Thường chỉ dùng Tamiflu trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như: Bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng như trên nền có bệnh lý tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch… Hay việc cha mẹ cho con uống thuốc kháng sinh với một số trẻ mắc cúm cũng sai lầm bởi dùng loại thuốc này trong điều trị cúm là vô tác dụng.
Các thuốc dùng điều trị cảm cúm, sổ mũi thường nhằm đạt các tác dụng: Giảm đau hạ sốt, gây co mạch, chống xung huyết ở niêm mạc mũi (trị sổ mũi), kháng histamine. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, khi sử dụng phải tùy vào đối tượng để tránh biến chứng.
Chẳng hạn như người bị cao huyết áp, người bị cường tuyến giáp cần tránh dùng thuốc trị cảm sổ mũi có chứa chất co mạch giảm xung huyết vì huyết áp có thể tăng khi dùng thuốc. Với người bị tăng áp cũng tuyệt đối không dùng thuốc trị cảm dạng sủi bọt vì chúng luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat hoặc natri carbonat. Khi chúng hòa vào nước sẽ phản ứng với axit citric có thể gây tăng huyết áp với người có sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối.
Phụ nữ có thai, nhất là ở 3 tháng đầu thai kỳ cần tránh thuốc có chứa cả thuốc kháng histamine. Trẻ nhỏ cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh càng cần tránh dùng thuốc trị cảm sổ mũi có chứa chất co mạch chống xung huyết, thậm chí không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch để nhỏ mũi. Bởi thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi mà còn gây co mạch ở các nơi khác như não, tim...
Bệnh lây lan nhanh qua không khí
Theo bác sĩ Quang Tùng, virus cúm sống lâu và lây lan mạnh hơn khi trời lạnh, trong phòng điều hòa… Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, nước bọt, dịch tiết mũi họng của người cúm khi hắt hơi, ho khạc. Do thiếu ý thức phòng cúm mà không ít nhà có một người bị thì có người bị theo, thậm chí cả nhà lần lượt bị cúm.
Cúm cũng lây lan nhanh trong cộng đồng do khi bị cúm người bệnh vẫn đi học, đi làm, ngồi chung mâm cơm. Khi bị ho, hắt xì nhiều người để tự nhiên, lịch sự thì dùng tay, khăn, giấy che miệng… nhưng không rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Tay bẩn lại chạm vào các đồ dùng (tay nắm cửa, điện thoại…) khiến người khác tiếp xúc phải, đưa lên mũi miệng là có thể lây bệnh. Hoặc người bị cúm khạc nhổ bừa bãi, vứt giấy lau bừa bãi.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngoài những thói quen trên của nhiều người, còn dễ dàng lây qua tiếp xúc trực tiếp hay các vật dụng dùng chung khi tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút (tay năm cửa phòng, nhà vệ sinh, chạm tay vào khăn giấy có nhiễm vi rút rồi giụi mắt, đưa tay lên mũi, miệng. Hoặc do dùng phải cốc, chén, bát mà người bị cúm đã dùng… là có thể lây nhiễm cúm. Virus cúm có thể lây lan 1 ngày trước khi bệnh nhân cúm khỏi bệnh và có thể lây lan sau 7 ngày người bệnh khởi bệnh.
Đặc biệt, nhiều người nhầm lẫn bệnh cúm với cảm lạnh vì triệu chứng giống nhau dẫn tới bệnh chuyển biến nặng. Thực tế, triệu chứng bệnh cúm đến rầm rộ hơn rất nhiều so với cảm lạnh, có thể phân biệt đơn giản như sau:
+ Cảm lạnh: Hay ảnh hưởng tới vùng đầu.
+ Cúm mùa triệu chứng nhức mỏi người, sốt, đau nhức cơ bắp, ho, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn, nhức đầu, ho... cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực.
Phòng tránh khi bị cúm
Khi bị cúm cần vệ sinh thường xuyên đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý, giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn... Ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng. Nếu thấy cơ thể mệt mỏi hơn bình thường cần đi khám sớm, nhất là khi cúm kèm sốt cao tới ngày thứ 3 trở đi, mình mẩy đau nhức, khó thở, chán ăn… nên nhanh chóng đến khám để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng nặng.
Điều quan trọng nhất để phòng ngừa mắc cúm là chủ động tiêm phòng vắc xin cúm. Khi đã tiêm phòng dù có bị cũng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm. Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm phòng cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm ngừa cúm ít nhất trước một tháng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con.
Phòng tránh khi bị cúm
Khi bị cúm cần vệ sinh thường xuyên đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý, giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn... Ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng. Nếu thấy cơ thể mệt mỏi hơn bình thường cần đi khám sớm, nhất là khi cúm kèm sốt cao tới ngày thứ 3 trở đi, mình mẩy đau nhức, khó thở, chán ăn… nên nhanh chóng đến khám để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng nặng.
Điều quan trọng nhất để phòng ngừa mắc cúm là chủ động tiêm phòng vắc xin cúm. Khi đã tiêm phòng dù có bị cũng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm. Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm phòng cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm ngừa cúm ít nhất trước một tháng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con.
Theo Hà Dương- Hà My (Giadinh.net.vn)