Những thực phẩm đại kỵ với thịt vịt:
Ba ba: Ba ba và thịt vịt đều là hai loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng lại kỵ nhau. Do đó, nếu nấu chung thịt vịt và ba ba, người ăn có thể bị tiêu chảy hoặc phù thũng. Ngoài ra, trong ba ba có rất nhiều hoạt chất sinh học có khả năng làm biến chất chất đạm hoặc giảm giá trị dinh dưỡng của thịt vịt xuống.
Thịt rùa: Bạn không nên ăn thịt rùa chung với thịt vịt vì có thể gây nên tình trạng "âm thịnh dương suy", gây ra bệnh phù nề, tiêu chảy.
Tỏi: Đây là một loại gia vị rất thông dụng trong bếp của gia đình Việt. Tỏi có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và được sử dụng trong rất nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, với những món từ thịt vịt thì chị em nhất định không nên cho thêm tỏi dưới bất kỳ dạng nào.
Tỏi có tính nóng, là gia vị đại nhiệt. Trong khi đó, thịt vịt lại tính hàn. Sự kết hợp giữa thịt vịt và tỏi là rất đại kỵ. Nó ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và đường ruột của cơ thể.
Quả mận: Quả mận có vị chua chua, ngọt ngọt, thịt mận màu đỏ tía vừa giòn vừa mềm. Tuy ăn rất ngo nhưng mận lại khiến người ăn bị nóng. Nếu ăn kèm với thịt vịt hoặc ăn với thời gian quá sát nhau thì sẽ khiến cơ thể bị chướng bụng, khó tiêu. Do đó, người ta thường tránh ăn thịt vịt chung với quả mận, đảm bảo cho hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng.
Loại quả có tính nóng: Trong Đông y, thịt vịt tính hàn, có công dụng giải nhiệt, trong khi một số quả như mận, xoài, mít, chôm chôm lại có tính nóng. Không nên sử dụng 2 loại có đặc tính trái ngược nhau này trong một bữa ăn vì sẽ gây ra chứng khó tiêu, chướng bụng, nóng ruột và gây hại đến sức khỏe.
Trứng gà: Không nên ăn thịt vịt cùng với trứng gà vì có thể làm tổn hại đến nguyên khí trong cơ thể.
Những thực phẩm có thể kết hợp với thịt vịt
Để tận dụng hiệu quả nhất hàm lượng dinh dưỡng có trong thịt vịt, bạn nên chế biến loại thịt này với một số thực phẩm dưới đây:
Kim ngân hoa: Trong Đông y, thịt vịt có thể làm giảm tiêu sưng, trị nhiệt độc, mụn độc. Còn kim ngân hoa thường được dùng để giải độc, tiêu trừ mụn, nhuận da… Vậy nên, khi kết hợp hai loại thực phẩm này sẽ tạo thành "bài thuốc quý" giúp làm đẹp da hiệu quả.
Cải thảo: Thịt vịt có chứa nhiều protein, chất béo và cholesterol… vì vậy nếu ăn cùng loại rau chứa nhiều vitamin C như cải thảo sẽ có thể thúc đẩy trao đổi cholesterol trong máu, có lợi cho sức khỏe.
Củ mài: Ăn thịt vịt chung với củ mài có thể giảm hàm lượng cholesterol trong máu, đặc biệt hiệu quả bồi bổ rất tốt.
Dưa chua: Dưa chua vốn có nhiều axit, nếu ăn chung sẽ bổ sung nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đây còn là bài thuốc hiệu quả với người bị sốt nhẹ, ăn ít, miệng khô, sưng phù.
Chanh: Chanh có nhiều vitamin C nên có tác dụng giải ngấy của món thịt vịt, giúp bạn ăn ngon miệng hơn và cơ thể hấp thụ tốt nhất lượng chất dinh dưỡng từ thịt vịt.
Những người không nên ăn thịt vịt
Thịt vịt chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D... Tuy nhiên, người mắc các bệnh sau đây nếu ăn thịt vịt thì tình trạng sức khỏe sẽ trầm trọng hơn:
Người đang bị cảm, mới phẫu thuật: Thịt vịt có tính hàn (lạnh) nên người đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng để tránh bệnh nặng hơn. Người mới phẫu thuật cần kiêng chất tanh cũng không nên ăn thịt vịt vì nó làm cho vết thương lâu lành.
Người bị bệnh gout: thịt vịt có lượng purin cao có thể làm tăng axit uric trong cơ thể.
Người có hệ tiêu hóa kém: Thịt vịt mang tính hàn nên người có hệ tuần hoàn kém lâu ngày làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch... không nên ăn nhiều. Ngoài ra thịt vịt cũng khiến người có thể trạng hàn dễ bị các bệnh về cơ - xương - khớp.
Người có bệnh về xương khớp: Những loại thực phẩm có tính hàn nói chung và thịt vịt nói riêng rất có hại cho những người có vấn đề về xương khớp. Tính hàn sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, các khớp xương sẽ càng thêm đau nhức.
Những người đang bị ho: Trong thịt vịt có chứa chất tanh, rất có hại cho những người đang bị ho. Chất tanh khiến cho đường hô hấp của người bệnh càng khó hoạt động hơn. Do đó, ăn thịt vịt khiến cho bệnh ho càng lâu khỏi và có thể trở nên trầm trọng hơn.
Một số mẹo chọn vịt ngon:
Vịt đực ngon hơn vịt cái, nên chọn con to, thịt nạc, xương nhỏ.
Không nên chọn những con vịt nhỏ, chưa mọc đủ lông, ăn sẽ không ngon, thịt không ngọt mà tốn nhiều thời gian để làm sạch hết lông măng.Những con vịt trưởng thành có dấu hiệu nhận dạng là ức tròn, béo, da cổ và da bụng dày. Có thể dựa vào mỏ vịt để phân biệt đâu là vịt non và đâu là vịt già. Mỏ vịt non thường to và mềm, ngược lại mỏ vịt già sẽ nhỏ và cứng.
Thịt vịt thường có mùi hôi, do đó trước khi chế biến nên sơ chế bóp thịt vịt với chút muối, tiêu, gừng đập dập, một chút rượu trắng, để khoảng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo.
Theo Thanh Huyền (Tiền Phong)