Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị 6 trẻ em từ 6-10 tuổi trong cùng gia đình ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu nghi do ngộ độc thức ăn, trong đó có 1 trẻ đã tử vong còn 1 trẻ đang phải lọc máu liên tục .
Trước đó, khoảng 14 giờ, ngày 3/5, Bệnh viện Nhi Đồng, tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhập cùng lúc 6 trẻ được chuyển lên từ Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu trong tình trạng: nôn ói, tiêu chảy, thở mệt.
Theo người nhà của các bé, sáng ngày 3/5, cả 6 bé đều ăn bánh mì que có pate và chà bông ở một tiệm gần nhà, đến trưa thì ăn cơm nhà nấu gồm các món: cơm, canh rau mồng tơi và tôm, thịt bò xào hành tây và món cà – ri.
Nhưng sau 15 phút ăn cơm trưa, lần lượt các bé bắt đầu có biểu hiện ói và xỉu nên gia đình đã sơ cứu ban đầu và đưa đến Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu cấp cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai tiếp tục chữa trị.
2 bé là D. T.  và H. H. Đ đã bị nặng ngay khi nhập viện. Ngoài các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, 2 bé này còn xuất hiện thêm cơn ngưng tim, sốc với các biểu hiện mạch nhẹ, huyết áp khó đo và thở chậm, co giật. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cấp cứu cơn ngưng tim, ngưng thở rồi đưa vào lọc máu liên tục. Dù được cấp cứu tích cực, sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhưng bé là D.T. vẫn tử vong vì tổn thương đa cơ quan như: tim, thần kinh. Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai đã đến lấy mẫu và xét nghiệm để tìm nguyên nhân của sự việc.
Trước thông tin này, nhiều người không khỏi kinh hãi, nhất là những phụ huynh đang có con em trong độ tuổi đi học. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho những bố mẹ để con em mình có thói quen ăn uống ở những quán ăn ngoài vỉa hè, ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nhan nhản thức ăn đường phố, thức ăn vỉa hè bủa vây trường học: Mối nguy khiến con bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thức ăn đường phố, thức ăn lề đường hay thức ăn vỉa hè nói chung là những loại đồ ăn, thức uống đã chế biến sẵn, được phục vụ tại chỗ. Ở những khu vực đông dân cư, trường học, thức ăn vỉa hè được bán rất nhiều.
"Nhất ở ở khu vực trường học, từ những món hàng ăn sáng nhanh gọn như xôi, bánh mì đến những hàng ăn vặt như kem, xúc xích, thịt xiên nướng... đều là những món thông dụng, được trẻ nhỏ đặc biệt thích thú. Tuy nhiên, những món ăn này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đó đáng nói nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm", chuyên gia khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, do người bán còn hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên có thể thức ăn dễ biến chất, thức ăn ôi thiu nhưng không bỏ đi, phù phép biến thành thơm ngon cho người tiêu dùng như trẻ nhỏ sử dụng.
Do người bán còn hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên có thể thức ăn dễ biến chất, thức ăn ôi thiu nhưng không bỏ đi, phù phép biến thành thơm ngon cho người tiêu dùng như trẻ nhỏ sử dụng.
Nhất là ở những quán hàng nhỏ lẻ tự phát thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm càng cao. Vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, thức ăn càng dễ bị ôi thiu, biến chất nhanh hơn. Điều này dẫn đến những mối nguy tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng, thậm chí là tới cả cộng đồng.
Tại các đô thị lớn, quán ăn vỉa hè mọc lên rất nhiều, dù mất vệ sinh nhưng luôn đông khách. Các quy định về xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thức ăn đường phố đều không khả thi. Do đó, không có gì khó hiểu khi xung quanh trường học lại xuất hiện vô số những xe chở đồ ăn vặt vỉa hè vốn là những món khoái khẩu của trẻ em.
Trong khi trẻ nhỏ là lứa tuổi không lường trước được những nguy hại này, không đủ kiến thức nhận biết thực phẩm sạch hay không, ăn phải thực phẩm bẩn thì nguy hại ra sao. Từ đó dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm nói chung.
"Trẻ nhỏ là đối tượng không lường trước được những nguy hại từ thức ăn vỉa hè, chỉ cần hợp khẩu vị, cảm thấy thích thú với món ăn là sẽ mua ăn khi có nhu cầu. Thế nhưng điều này có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc như trường hợp của cháu bé ở trên: ngộ độc thực phẩm quá nặng, dẫn đến tử vong vô cùng thương tâm", chuyên gia nhấn mạnh.
Để chấm dứt tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn vỉa hè, thức ăn đường phố đối với trẻ nhỏ, chuyên gia khuyên, nhà trường, gia đình nên có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ, chấm dứt tình trạng hàng quán tụ tập quanh cổng trường cũng như giáo dục con em mình thấy rõ tác hại bằng những chứng cứ thực tế về ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn vỉa hè. Chỉ nên ăn ở những quán ăn uy tín. Hạn chế tối đa ăn ngoài hàng quán. Tốt nhất nên dành thời gian làm đồ ăn tại nhà cho con, tránh những hậu quả đáng tiếc. Trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh cần nhắc trẻ duy trì thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo HH (Pháp luật và Bạn đọc)