Video bác sĩ dùng tay xoay thai nhi ngôi ngược thành xuôi đầu
Lâu nay, truyền thông vẫn thường nhắc đến những ca can thiệp cho trẻ sơ sinh nhỏ tuổi nhất, với nhiều bệnh lý phức tạp.
Tuy nhiên, mọi thứ tới đây sẽ thay đổi khi các bác sĩ chuẩn bị tiến hành can thiệp cho thai nhi nếu phát hiện ra bệnh từ trong bào thai.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ca can thiệp đầu tiên sẽ được thực hiện ngay trong năm 2018. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên thực hiện được kỹ thuật này.
Được biết, đây là đề án khoa học cấp nhà nước và đã được phê duyệt với tên gọi Đề án Y học bào thai. "Tính đến thời điểm này, viện đã chuẩn bị đầy đủ phòng mổ, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại và nhân sự để thực hiện để án này", PGS Ánh chia sẻ.
Theo PGS Ánh, những trường hợp bào thai bị ứ nước trong não, phổi, tim nếu không được can thiệp dẫn lưu… sẽ làm teo não, teo phổi, chèn tim gây ra thiếu máu và bào thai sẽ tử vong ngay trong bụng mẹ.
Hoặc trong những trường hợp bào thai sinh đôi lại bị truyền máu cho nhau. Nếu không can thiệp kịp thời, đốt laze chặn đường truyền, thì một bào thai sẽ thừa máu, phù thũng, suy tim, một bào thai bị mất máu và tử vong.
Do đó, kỹ thuật mới này được coi là kỹ thuật tiên tiến, can thiệp kịp thời các bệnh lý cho các bào thai có tuổi thai từ 22 đến 26 tuần.
Sau tuần 26, các bác sĩ sẽ theo dõi bào thai để xử trí những tổn thương cho thai nhi khi chào đời.
Ông Ánh cho rằng, việc thực hiện can thiệp này không chỉ là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cứu người, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, khi nhiều cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong việc sinh con.
"Nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc có con, họ có thể chỉ sinh được 1 lần, có thể phải làm thụ tinh trong ống nghiệm, hoặc mất nhiều thời gian để có con.
Nhưng không may thai nhi mắc bệnh từ trong bụng mẹ, khi đó nếu không can thiệp thì đứa trẻ sẽ không kịp chào đời", ông Ánh phân tích.
Theo Lee Phương (Soha/Trí Thức Trẻ)