Theo SciTech Daily, nghiên cứu mới từ Đại học Northwestern (Mỹ) dựa trên nhóm tình nguyện viên từ 63 đến 84 tuổi cho thấy, những người tiếp xúc với bất kỳ mức độ ánh sáng nào khi ngủ vào ban đêm có nguy cơ bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì cao hơn đáng kể so với những người ngủ trong bóng tối hoàn toàn.
Được biết, các tình nguyện viên đeo một thiết bị đo mức độ tiếp xúc ánh sáng trên cổ tay và khác biệt được nhận thấy rõ rệt chỉ trong 7 ngày, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Northwestern Medicine, một hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận của Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, liên kết với một số viện, trường khác tại Mỹ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự liên quan giữa tỉ lệ tiếp xúc ánh sáng trong khi ngủ đêm đến tỉ lệ cao huyết áp, tiểu đường, béo phì có thể còn cao hơn trong thực tế - với sự phơi nhiễm lâu dài.
"Cho dù đó là ánh sáng từ điện thoại thông minh, để quên ti vi qua đêm hay ô nhiễm ánh sáng từ cửa sổ hắt vào do bạn đang sống ở một thành phố lớn" - Phó giáo sư thần kinh học - bác sĩ Kim Minjee từ Trường Y Feinberg nói.
Gần một nửa trong số 552 tình nguyện viên thường xuyên ngủ trong không gian tối hoàn toàn trong 5 tiếng vào ban đêm và dữ liệu sức khỏe của họ đã khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc. Tuy nhiên, các tác giả chưa rõ có mối liên quan ngược hay không: Cũng có khả năng cao huyết áp, tiểu đường, béo phì khiến bệnh nhân muốn bật đèn khi ngủ, ví dụ như bệnh nhân tiểu đường hay bị tê chân nên có thể bật đèn ngủ để khỏi té ngã khi cần vào nhà vệ sinh ban đêm.
Trước đó, một nghiên cứu cũng của Trường Y Feinberg đã khám phá ra rằng ngay cả một đêm ngủ để đèn hơi sáng cũng có thể gây hại cho chức năng tim mạch. Thậm chí chỉ một chút ánh sáng cũng có thể làm tăng nhịp tim.
Nghiên cứu bao gồm 20 người được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 10 người. Nhóm thứ nhất ngủ cả 2 đêm trong phòng tối mờ mờ, trong khi nhóm thứ 2 ngủ 1 đêm trong phòng tối mờ mờ và 1 đêm để đèn hơi sáng - vào khoảng 100 lux (bạn có thể so với ánh sáng trong phòng làm việc bình thường là 400 lux).
Kết quả cho thấy, nhóm thứ 2 có mức kháng insulin cao hơn, nhịp tim cao hơn, và biến thiên tần số tim (HRV) thấp hơn vào sáng hôm sau, theo nhật báo The Guardian (Anh).
Thông thường, chỉ số HRV từ 0 - 50ms là không tốt cho sức khỏe, từ 50 - 100ms là "có vấn đề" và >100ms là tốt cho sức khỏe.
Tiến sĩ Phyllis Zee từ Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, nghiên cứu này đã chứng minh rằng chỉ một đêm tiếp xúc với ánh sáng vừa phải trong khi ngủ có thể làm suy giảm điều hòa tim mạch, là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Nghiên cứu cũng nhận thấy ngủ để đèn hơi sáng có thể làm tăng khả năng kháng insulin vào sáng hôm sau, đây là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Daniela Grimaldi, đồng tác giả, cho biết nghiên cứu cho thấy nhịp tim tăng lên khi ngủ với ánh sáng vừa phải. Điều này cho thấy, ngay cả khi đang ngủ, hệ thống thần kinh tự chủ vẫn bị kích hoạt. Điều đó thật không tốt cho sức khỏe. Thông thường, nhịp tim cùng với các thông số tim mạch khác giảm xuống vào ban đêm và cao hơn vào ban ngày.
Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận, mặc dù ánh sáng là cần thiết cho cuộc sống, nhưng hãy cố gắng giảm phơi nhiễm ánh sáng nhiều nhất có thể: tắt ti vi, đèn ngủ, điện thoại thông minh, dùng rèm cửa đủ dày...; vì điều này chắc chắn có lợi cho sức khỏe.
Theo Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)