Kinh hãi: Vỏ gối không giặt 1 tuần có chứa tới 3 triệu vi khuẩn, bẩn hơn 17.000 lần so với bồn cầu

29/06/2023 15:36:43

Nghiên cứu mới cho thấy, vỏ gối không được giặt trong một tuần bẩn hơn 17.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu.

Vỏ gối không được giặt 1 tuần bẩn hơn bồn cầu 17.000 lần

Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy, nếu không giặt vỏ gối trong một tuần, lượng vi khuẩn trên vỏ gối sẽ nhiều gấp 17.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu. Bác sĩ nhắc nhở, nếu ngủ thường xuyên trên vỏ gối không thay còn có thể mắc bệnh ngoài da.

Cụ thể, theo số liệu của khảo sát trên và báo cáo khoa học đăng tải trên Amerisleep - trang web uy tín nhất Hoa Kỳ về lĩnh vực sức khỏe giấc ngủ, kết quả cho thấy:

- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 1 tuần: có thể sản sinh ra 3 triệu vi khuẩn, tức là gấp 17.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu.

- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 2 tuần: có thể sản sinh 5,98 triệu vi khuẩn.

- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 3 tuần: có thể sản sinh 8,51 triệu vi khuẩn.

- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 4 tuần: có thể sản sinh 10 triệu vi khuẩn.

Kinh hãi: Vỏ gối không giặt 1 tuần có chứa tới 3 triệu vi khuẩn, bẩn hơn 17.000 lần so với bồn cầu

Cũng theo nghiên cứu này, mọi người nên thay hoặc giặt vỏ gối thường xuyên hơn. Tiến sĩ Hadley King, bác sĩ da liễu tại Đại học Y khoa Weill thuộc Đại học Cornell, khuyên rằng nên vệ sinh vỏ gối ít nhất hai lần một tuần.

"Khi bạn đi ngủ, vỏ gối có thể bị nhiễm khuẩn từ những tế bào chết, mồ hôi, mỹ phẩm, kem dưỡng da, bụi tóc và vẩy da thú cưng, vi khuẩn và các hạt vi rút. Những vật chất như tế bào chết, mồ hôi là môi trường lý tưởng cho một số loại vi khuẩn. Không chịu thay vỏ gối mỗi tuần có thể dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng da hoặc các viêm nhiễm khác như nhọt và viêm mô tế bào", bác sĩ cho biết.

Vỏ gối bẩn gây hại sức khỏe ra sao?

Theo chuyên gia, chủ yếu các loại vi khuẩn có trên vỏ gối lâu không giặt sinh sôi từ mồ hôi, da chết và tóc của chúng ta. Trong đó phổ biến như vi khuẩn Bacteroides, Neisseria, trực khuẩn và các loại khuẩn que gram.

Kết quả nghiên cứu của Amerisleep cũng đưa ra kết luận rằng có 4 chủng loại vi khuẩn cực kỳ ưa thích trú ngụ tại vỏ gối và ga giường. Cụ thể:

- 24.94% Gram-Positive Rods (Khuẩn que gram dương)

- 41.45% Gram-Negative Rods (Khuẩn que gram âm)

- 23.38% Bacilli (Trực khuẩn)

- 10.23% Gram-Positive Cocci (Khuẩn cầu gram dương)

Kinh hãi: Vỏ gối không giặt 1 tuần có chứa tới 3 triệu vi khuẩn, bẩn hơn 17.000 lần so với bồn cầu - 1

Như vậy, chủng loại phổ biến nhất là Khuẩn que gram âm. Đây là loại vi khuẩn mang đến bệnh viêm phổi cũng như các loại nhiễm trùng nguy hiểm khác. Ngoài ra, phần lớn những loại Khuẩn que gram âm rất nguy hiểm và có thể dẫn đến sự kháng kháng sinh. Trực khuẩn thì góp phần trong việc gây ra ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng. Trong khi đó, khuẩn que gram dương lại thường vô hại với con người, chủ yếu chỉ gây ra ngứa ngáy, khó chịu cho da.

Còn khuẩn Bacteroides là 1 trong những chủng phổ biến gây viêm ruột thừa cấp tính. Neisseria là tác nhân phổ biến gây bệnh lậu cầu khuẩn.

Ngoài ra, các loại nấm mốc, vi khuẩn khác trên vỏ gối bẩn còn có thể gây ngứa, dị ứng, nổi mụn, sưng tấy, mẩn đỏ… cũng như nhiều bệnh da liễu khác.

Bao lâu thì nên giặt vỏ gối một lần?

Chuyên gia khuyên chúng ta nên hình thành thói quen giặt vỏ gối 1 - 2 lần mỗi tuần. Đặc biệt là với những người hay đổ mồ hôi đêm, gia đình có trẻ nhỏ, người hay bôi kem dưỡng da khi ngủ, người nhiều da chết hay bị rụng tóc nhiều.

Tần suất giặt vỏ gối của nhóm đối tượng này nên là 2 - 3 lần mỗi tuần. Còn nếu bạn đang mắc hoặc điều trị các bệnh về phổi, da liễu thì tốt nhất là thay chúng cách ngày và chọn loại ít bám bụi, dễ giặt sạch cũng như nhanh khô hơn.

Ngoài ra, vỏ gối khi mới mua về không được dùng ngay. Chúng cần được giặt sạch và phơi khô dưới nắng hoặc sấy khô hoàn toàn rồi mới sử dụng được.

PN (SHTT)