Vợ chồng nếu đã lựa chọn đi bên cạnh nhau thì mong rằng chúng ta sẽ chấp nhận tất cả những ưu khuyết điểm của người còn lại. Đừng đứng núi này trông núi nọ, để rồi khi tan vỡ mới thấy hối hận.
Cuộc điện thoại nghe được tình cờ
Uyên (31 tuổi) tâm sự cô và Nghĩa kết hôn 3 năm rồi, hai vợ chồng đã sinh được một bé gái đầu lòng. Bố mẹ đôi bên đều ở quê, vợ chồng Uyên thuê nhà làm việc và sinh sống trên thành phố.
“Lương tôi 10 triệu, lương chồng được 11 triệu, cũng tạm đủ chi tiêu cho hai vợ chồng và một đứa con nhỏ. Mỗi tháng tôi và chồng đều trích 2 triệu từ lương của mình gửi về cho bố mẹ dưới quê, cả ông bà nội ngoại đều đã già yếu mà không có nguồn thu”, Uyên kể.
Thu nhập của hai người tương đương, báo hiếu cha mẹ là trách nhiệm chung của con cái chẳng riêng con trai, Uyên thiết nghĩ phân chia sắp xếp như vậy là hợp lý. Vậy nhưng Nghĩa nhiều lần cằn nhằn, nhấn mạnh phụ nữ đi lấy chồng thì phải toàn tâm toàn ý với gia đình nhà chồng. Anh không hài lòng khi vợ vẫn chăm lo cho nhà đẻ nhưng Uyên cứng rắn chẳng nhượng bộ. Cũng bởi chuyện đó mà trong mấy năm qua thi thoảng Nghĩa lại bóng gió than thở bố mẹ anh chẳng nhờ vả được gì con dâu.
Uyên nói: “Cách đây một thời gian, mẹ chồng tôi lên thành phố khám bệnh thì nhận được kết quả phải phẫu thuật, chi phí lên đến cả trăm triệu. Tôi gửi con về quê nhờ bà ngoại trông hộ rồi xin nghỉ làm để chăm bà trong viện”.
Hai ngày gần như thức trắng chăm mẹ chồng, Uyên về nhà định bảo Nghĩa vào thay một hôm để cô nghỉ ngơi. Vừa mở cửa bước vào, cô tình cờ nghe được tiếng anh nói chuyện điện thoại trong phòng mà sững người:
“Tao nghĩ tao đã lấy nhầm vợ rồi. Bây giờ vợ hiền cũng chẳng có tác dụng gì, vợ giỏi mới đáng quý. Vợ tao được cái hiền lành, chăm chỉ nhưng lương thấp lại nặng gánh gia đình, mấy năm cưới nhau chẳng làm được gì cho chồng và nhà chồng. Nếu nhà ngoại có điều kiện, bệnh tình của mẹ tao cũng chẳng cần lo. Tao đâu phải khổ sở chạy vạy tiền nong, có khi còn có nhà chung cư, xe ô tô mà đi rồi ấy chứ. Tao hối hận quá, giá khi xưa chọn vợ kỹ hơn, đừng vội vớ bừa…”.
Phản ứng quyết liệt của cô vợ
Hai đêm thức trắng đã gần như kiệt sức, lại nghe được những lời nói đó của chồng, Uyên cảm thấy chán chường và thất vọng tột độ.
“Tôi xô cửa vào, ném cho anh ta túi đồ cần giặt của mẹ chồng, sau đó quay người đi thu dọn đồ đạc để về quê đón con”, Uyên cho hay.
Sắp xếp xong hành lý, trong cái nhìn ngỡ ngàng của Nghĩa, Uyên tuyên bố thẳng: “Anh giặt đồ cho bà rồi từ tối nay vào viện chăm mẹ đi. Tôi về quê với con đây, hết tuần đi làm lại tôi mới lên. Nếu anh cảm thấy tôi không được tích sự gì thì ly hôn đi, sao còn chần chừ? Tôi cũng không muốn tiếp tục sống với người chồng thiếu thành ý xây dựng, luôn đứng núi này trông núi nọ, đòi hỏi và mong chờ dựa dẫm đâu!”.
Trước khi bước ra ngoài, Uyên quay người lại cười khẩy hỏi chồng: “Sao anh không tự hỏi lại mình xem, anh đã làm được gì cho vợ con và nhà vợ? Tôi lấy chồng là để có người cùng chia sẻ, đồng hành chứ tôi có kết hôn để mong nhà chồng vinh danh công lao đâu! Tôi tự xét thấy mình chẳng nợ nần gì ai cả!”.
Mấy hôm sau, Nghĩa ngày đi làm, tối về trông mẹ trong viện, anh mới thấy hối hận vì khi trước coi nhẹ công lao của vợ. Hơn nữa Uyên nói đúng, bản thân anh cũng đâu giỏi giang gì, nào đã đóng góp cho gia đình được nhiều hơn Uyên. Nghĩa vội vã gọi điện xin lỗi vợ nhưng cô chưa chấp nhận tha thứ.
“Sau khi lên thành phố đi làm, tôi thuê nhà khác ở, tạm thời ly thân với chồng. Rảnh rỗi thì tôi vào thăm mẹ chồng, còn lại để chồng tự chăm mẹ, cho anh ta thấm thía sống ở đời đừng được voi đòi tiên, hãy biết trân trọng những gì mình có, cố gắng vun đắp hiện tại”, Uyên tâm sự. Thiết nghĩ đó cũng là điều mà mỗi người chúng ta cần nhớ, để không bỏ lỡ thứ quan trọng bên cạnh mình.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)