Tự làm đau bản thân nguy hiểm khi
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Hương Tràm chia sẻ hình ảnh đôi bàn tay trầy trụa, da tay bong tróc cùng dòng trạng thái: "Làm sao ngưng việc này lại hả Tràm" thu hút sự chú ý của dân mạng.
Theo đại diện nữ ca sĩ cho biết thời gian gần đây cô liên tục rơi vào trạng thái stress, căng thẳng đến mất ngủ. Mỗi lần như vậy, Hương Tràm đều tự mình bóc tay đến mức có lúc rỉ máu.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa khám bệnh, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết căng thẳng tâm thần (stress) quá mức có thể gây ra những hành động tự gây đau cho bản thân như: tự làm đau cơ thể bằng tay, chân hoặc vật sắc nhọn…
Trong y học còn được nhắc đến là Hội chứng tự ngược đãi bản thân (self-harm) do căng thẳng tâm lý kết hợp với rối loạn trầm cảm. Khi tự làm đau bản thân sẽ giải phóng chất giảm đau, điều này sẽ giúp cho bản thân người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Ngoài do căng thẳng tâm lý Hội chứng tự ngược đãi bản thân còn có thể gặp ở các trường hợp có bệnh tâm thần nội sinh mà chưa được phát hiện. Bệnh nhân có hoang tưởng, ảo giác tự gây hại cho cơ thể. Hoặc Hội chứng còn gặp ở người sử dụng chất gây nghiên gây ra hoang tưởng ảo giác.
"Nguy hiểm nhất của Hội chứng có thể gây ra những thương tích cho bản thân người bệnh. Nếu như bệnh nhân kéo dài không điều trị có tới một mức độ nào đó có thể gây ra chết người", TS.BS Thu khuyến cáo.
GS.TS.BS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 cho hay, GS đã từng gặp trường hợp bệnh nhân bị stress căng thẳng quá mức về cảm xúc đã dùng tay cào rát mặt không khác chí phèo ăn vạ.
Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ chịu áp lực quá lớn từ cuộc sống, không thể giải quyết. Những khi bế tắc bệnh nhân thường tự làm đau mình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
"Tự gây tổn thương cho bản thân gần giống với tự sát, nhưng tự sát là người bệnh gây chết. Còn trường hợp này người bệnh sẽ gây tổn thương đau đớn. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị căng thẳng về cảm xúc. Hội chứng tới một mức nào đó nếu không điều trị có thể nguy hiểm tới tính mạng", GS. Đức nói.
Khi mắc phải Hội chứng tự ngược đãi bản thân ở mức nhẹ có những trường hợp bệnh nhân có thể tự thoát ra được. Nếu thay đổi suy nghĩ tích cực, căng thẳng tâm lý được giải tỏa. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện căng thẳng thần kinh thì cần phải điều trị thuốc.
Hội chứng dễ gặp ở ai?
TS.BS Thu cho hay Hội chứng tự ngược đãi bản thân gặp rất nhiều ở nhóm độ tuổi trẻ và rất trẻ. Trên thế giới và ngay tại Việt Nam có một nhóm người trẻ sống theo trào lưu (nhóm Emotion). Trào lưu này khiến giới trẻ nhìn mọi vật, hiện tượng với trạng thái bi quan, hay rơi nước mắt một cách vô thức.
Người có nhân cách dễ bị tổn thương như: người hay phô trương, ngưới hay lo lắng, người hay đòi hỏi… khi gặp sang chấn dễ rơi vào Hội chứng.
Dấu hiệu nhận biết sớm Hội chứng, bệnh nhân thường tự gây đau, làm tổn thương cơ thể. Về tâm lý bệnh nhân có những căng thẳng thần kinh kéo dài, cảm giác bất mãn…
Một số biểu hiện khác của hội chứng như: Chán nản, buồn bã, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, tim đập nhanh, vã mồ hôi, cơ bị run mỏi….
Bác sĩ Thu khuyến cáo bất cứ ai khi có những dấu hiệu bất thường trên cần phải đi khám chuyên khoa sớm. Khi dùng thuốc bệnh nhân sẽ nhanh chóng kiểm soát được những hành vi cảm xúc của mình để quay trở về với cuộc sống bình thường.
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)