Suýt ngừng tim, suy đa tạng do uống thuốc Nam
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thuốc Nam không rõ xuất xứ. Theo thống kê chưa đầy đủ, 1 tháng gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp nhập viện cấp cứu do tự điều trị bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Đông Y không rõ nguồn gốc.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Viết Nam cho hay, gần đây khoa cấp cứu tiếp nhận khá nhiều các trường hợp sử dụng thuốc Nam "nhà tôi 3 đời" để điều trị các bệnh viêm gan, đái tháo đường, viêm khớp….
Gần đây nhất, bác sĩ Viết Nam đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân uống thuốc nam không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sau 2 ngày dùng thuốc, bệnh nhân đã được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch suýt ngừng tim, suy đa phủ tạng.
Bệnh nhân nam 63 tuổi, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm. 2 ngày trước nhập viện, bệnh nhân tự ý mua và sử dụng một loại thuốc viên hoàn không rõ nguồn gốc và thành phần để điều trị tiểu đường.
Sau khi uống 4 viên thuốc, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, nôn và buồn nôn, kích thích vật vã, khó thở. Bệnh nhân đã được người nhà đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở Kim Chung trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm toan lactic máu nặng, kèm theo suy đa phủ tạng.
Bác sĩ Nam cho hay: "Bệnh nhân được nghi ngờ ngộ độc thuốc Phenformin, đã được xử trí lọc máu liên tục, thở máy, duy trì thuốc vận mạch, cân bằng kiềm toan và điện giải. Mẫu thuốc của bệnh nhân uống đã được giám định tại Viện Pháp y và cho kết quả dương tính với chất Phenformin với nồng độ rất cao.
Phenformin là chất đã bị cấm sử dụng để điều trị tiểu đường trên thế giới từ những năm 70. Chất này hiện cũng bị cấm sử dụng tại Việt Nam vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: toan lactic, suy thận nặng, tỷ lệ tử vong do ngộ độc trên 60%".
Sau 3 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân có đáp ứng điều trị, xu hướng cải thiện, giảm được liều thuốc vận mạch, bắt đầu có nước tiểu, chỉ số toan kiềm máu ổn định hơn. Hiện, bệnh nhân đã bình phục và được ra viện.
Bác sĩ Vũ Minh Đức Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, ngày 15/3, bác sĩ đã tiếp nhân một trường hợp nữ bệnh nhân 25 tuổi men gan tăng cao gấp 20 lần bình thường.
Bệnh nhân vào viện do có triệu chứng đau bụng, trước vào viện bệnh nhân có sốt. Khi vào viện bệnh nhân có đau bụng âm ỉ, lan tỏa, sau đó có đau khu trú tại hố chậu phải. Bệnh nhân có đi ngoài phân đen và lẫn máu. Tại bệnh viện tuyến dưới bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá.
"Ban đầu chúng tôi cũng nghĩ tới việc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá. Nhưng khi xét nghiệm thì men gan của bệnh nhân lên tới 800 (cao hơn mức bình thường gần 20 lần). Qua điều tra bệnh sử bệnh nhân cho biết, có uống thuốc nam 20 ngày để sinh được con trai do đã có 2 cô con gái", bác sĩ Đức nói.
Bệnh nhân được yêu cầu dừng uống thuốc nam và cho điều trị bằng các loại thuốc giải độc gan, bổ gan để gan hồi phục. Do bệnh nhân có thêm đau bụng nên khoa đã mời bác sĩ khoa Ngoại hội chẩn. Kết quả bệnh nhân có thêm viêm ruột thừa và có chỉ định mổ.
Bác sĩ Đức cho hay: "Đối với trường hợp của nữ bệnh nhân này là trường hợp rất may mắn vô tình phát hiện ra ngộ độc thuốc nam do bị đau bụng. Nếu bệnh nhân không có đau bụng và ở nhà vẫn tiếp tục uống thuốc men gan sẽ tăng cao. Lúc này, bệnh nhân có thể vàng da, vàng mắt, gan sẽ bị suy và có thể tử vong".
Cam kết khỏi 100% là vô lý, đừng tin những quảng cáo trên mây!
Hiện nay, các quảng cáo thuốc nam, thuốc Đông y gia truyền "nhà tôi 3 đời" tràn lan trên mạng xã hội, youtube. Không ít loại thuốc nam, thuốc Đông y "nhà tôi 3 đời" không rõ nguồn gốc hiện nay có trộn dược chất bị cấm sử dụng. Nếu dùng các loại thuốc uống này có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Theo bác sĩ Đức, để tạo lòng tin với khách hàng các loại thuốc này thường được gắn mác gia truyền kiểu: "nhà tôi 3 đời" và cam kết hiệu quả 100%.
Tuy nhiên, các loại thuốc nay đều là 3 không: "Không biết được nguồn gốc; Không rõ thành phần; Không rõ hiệu quả lâm sàng không có bằng chứng", bác sĩ Đức nói.
Việc sử dụng các loại thuốc "nhà tôi 3 đời", 3 không này sẽ rất nguy hiểm. Bản chất thuốc sẽ đào thải qua gan và thận vì thế việc sử dụng các loại thuốc này kéo dài có thể dẫn tới suy 2 cơ quan này.
Người dân cần phải tỉnh táo tránh sử dụng các loại thuốc "nhà tôi 3 đời" nhưng lại 3 "không". Trên thực tế khi được gọi là thuốc và sử dụng trên người sẽ phải có quá trình thử nghiệm lâm sàng. Một loại thuốc "3 không" nếu tùy tiện sử dụng thì rủi ro sẽ rất cao.
"Bác sĩ khi kê đơn cho bệnh nhân cũng không bao giờ dám khẳng định thuốc đó có thể khỏi 100% bệnh. Vì vậy, người dân không nên tin vào những lời cam kết trên mây. Những quảng cáo thuốc gia truyền "nhà tôi 3 đời" và cam kết khỏi bệnh 100% là vô lý thổi phồng sự thật đi quá xa, chưa kể tới việc uống có thể nguy hiểm cho tính mạng", bác sĩ Đức nói.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nam khuyến cáo, người dân nếu muốn điều trị bằng y học cổ truyền nên tới các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được Bộ Y tế cấp phép.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)