Xã hội đang ngày một phát triển, cuộc sống cũng dần nâng cao kéo theo guồng quay công việc khiến chúng ta bận rộn hơn. Thế nên ai cũng mải chạy theo "cơm áo gạo tiền" mà bỏ bê sức khỏe, để rồi tới một lúc nào đó, bệnh tật bỗng xuất hiện và ảnh hưởng đến tuổi thọ về sau.
Bên cạnh đó, nguy cơ mắc nhiều thứ bệnh sẽ tăng lên khi chúng ta già đi, kéo theo hệ miễn dịch cũng suy yếu dần. Nếu bạn ngại hoặc không có thời gian đi khám định kỳ tại bệnh viện, hãy tự kiểm tra sức khỏe bằng 6 cách đơn giản sau, nhằm tự chẩn đoán những triệu chứng đầu tiên của những căn bệnh nghiêm trọng.
Cách tự kiểm tra sức khỏe tại nhà1. Kiểm tra mắt
Để kiểm tra đôi mắt của bạn có bị loạn thị hay không, hãy thực hiện theo những cách dưới đây:
- Nhắm 1 mắt lại, lùi về phía sau 3-5 bước.
- Từ từ mở mắt ra, nhìn thẳng vào tấm hình vòng tròn như sau.
Nếu mắt bị loạn thị, bạn sẽ thấy 1 số đường kẻ trở nên tối màu hơn các đường kẻ khác. Lúc này cần đến cơ sở y tế để đo mắt và thăm khám kịp thời, tránh tăng độ và ảnh hưởng tới thị lực về sau.
2. Kiểm tra sự linh hoạt và dẻo dai của cơ thể
Sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể tùy thuộc rất nhiều vào tuổi tác. Tuy nhiên, bạn có thể tự kiểm tra xem mình đang khỏe mạnh hay không bằng cách ngồi trên sàn, duỗi thẳng chân về phía trước và dùng 2 tay chạm vào mũi chân.
Nếu bạn thực hiện tư thế này dễ dàng thì cũng đồng nghĩa rằng, cơ thể đang rất cân đối và khỏe mạnh. Còn ngược lại, bạn cần thận trọng với sức khỏe của mình và tăng cường tập thể dục nhiều hơn, đặc biệt nên đi bơi để cải thiện độ dẻo dai cho cơ bắp và ngăn ngừa các bệnh xương khớp.
3. Kiểm tra nhịp tim
Nhịp tim có thể phản ánh rất nhiều về tình trạng sức khỏe hiện tại, thậm chí là cảnh báo trước bệnh tim mạch. Nếu muốn kiểm tra xem hệ thống tim mạch có tốt hay không, bạn cần thực hiện 3 bước cơ bản sau:
- Bước 1: Ngồi thư giãn hoàn toàn 5-10 phút.
- Bước 2: Đặt ngón tay lên cổ tay để tìm mạch đập.
- Bước 3: Đếm kỹ tim đập bao nhiêu nhịp trong 1 phút.
Kết quả cho thấy, người trưởng thành thường có nhịp tim trong khoảng 60-100 nhịp/phút mới được xem là khỏe mạnh. Nếu cao hơn hoặc thấp hơn thì rất có thể bạn đang mắc phải các bệnh huyết áp. Tốt nhất là phải đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác, từ đó phòng tránh được bệnh tim mạch về sau.
4. Kiểm tra tuần hoàn máu
Hãy đặt 1 ly nước lạnh và nhúng các ngón tay vào trong 3 giây. Sau khi rút ra, nếu đầu ngón tay chuyển sang màu trắng hoặc xanh thì đồng nghĩa bạn đang gặp vấn đề về lưu thông máu.
Theo các chuyên gia lý giải, khi đặt tay vào nước lạnh, sự giảm nhiệt độ đột ngột sẽ gây nên cơn co thắt của các mạch máu cung cấp máu cho ngón tay, chân, tai và mũi. Thế nên một khi bạn gặp phải tình trạng này thì cần hạn chế để cơ thể thay đổi nhiệt độ quá đột ngột, ví dụ như đi từ phòng điều hòa ra ngoài trời nắng.
5. Kiểm tra hô hấp
Để thực hiện bài này bạn cần chuẩn bị 1 que diêm, đốt nó lên và đưa ra xa trước mặt. Sau đó, hít một hơi thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng sao cho tắt lửa. Bạn càng ít phải lặp lại việc này để dập tắt ngọn lửa thì hệ hô hấp càng khỏe, còn ngược lại, nếu phải mất nhiều lần mới thổi tắt lửa thì hô hấp đang khá yếu.
6. Kiểm tra cơ thể có đang bị tích nước hay không
Với bài kiểm tra này, bạn không cần phải chuẩn bị dụng cụ gì mà vẫn cho kết quả chính xác. Theo đó, hãy dùng ngón tay ấn chặt vào chân trong khoảng 2 giây rồi bỏ tay ra. Nếu chỗ vừa bị ấn không trở lại trạng thái ban đầu ngay thì chứng tỏ cơ thể đang bị tích nước, dẫn đến phù nề toàn thân.
Để cải thiện tình trạng này, bạn cần hạn chế ăn muối, ăn thực phẩm mặn và các món chế biến sẵn vì chúng là nguyên nhân gây tích nước. Cần cải thiện sớm kẻo ảnh hưởng đến vóc dáng và nhan sắc.
Theo Minh Võ (Trí Thức Trẻ)