Giật mình với clip 'soi khoai tây mọc mầm dưới kính hiển vi' và 5 lưu ý khi ăn khoai tây để không gây hại sức khỏe

30/06/2021 08:35:50

Kết quả đem lại vô cùng bất ngờ: Đúng là trong củ khoai tây mọc mầm có chứa chất độc thật. Theo chủ clip, khi khoai tây mọc mầm thì tinh bột sẽ chuyển hóa thành solanin và chaconine anpha - 2 chất kịch độc.

Khoai tây là loại củ gần gũi với hầu hết người dân Việt Nam. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, khoai tây rất giàu kali. Ngoài vi chất này, khoai tây còn chứa phốt pho, magie, canxi, natri, sắt và kẽm, vitmamin C...

Chính vì ngon lành, dễ kiếm nên khoai tây thường được các gia đình tích trữ nhiều trong nhà để khi cần có thể đem ra sử dụng ngay. Bảo quản quá lâu, trong môi trường ẩm thấp chính là lý do khiến khoai tây dễ bị nảy mầm. Từ trước đến nay, có nhiều thông tin cho rằng: "Củ khoai tây mọc mầm có thể gây độc", nhưng đó có đúng là sự thật hay không? Để giải đáp câu hỏi này, mới đây, tài khoản Tik Tok mang tên "Kính Hiển Vi" tiếp tục thực hiện clip soi củ khoai tây đã bị mọc mầm.

Kết quả đem lại vô cùng bất ngờ: Đúng là trong củ khoai tây mọc mầm có chứa chất độc thật. Theo chủ clip, khi khoai tây mọc mầm thì tinh bột sẽ chuyển hóa thành solanin và chaconine anpha - 2 chất kịch độc. Ở mức phóng đại 400 lần và 800 lần dưới kính hiển vi, có thể quan sát rõ sự thay đổi này.

Nguy hại từ việc sử dụng khoai tây mọc mầm.

Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay: Trong 2 chất có trong khoai tây mọc mầm thì solanin phổ biến hơn cả, solanin chủ yếu xuất hiện ở chân mầm và lớp vỏ xanh bên ngoài. Nó là một dạng chất kháng sinh của thực vật với lượng chất độc acid cyanic lớn. Nếu con người thường xuyên tiêu thụ khoai tây mọc mầm thì có thể đối mặt với hậu quả là đau bụng, tiêu chảy, sốt, sốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể, thậm chí gây tử vong.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), lượng chất độc solanin chủ yếu chứa trong mầm khoai, còn trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm. Do lượng solanin trong củ khoai tây không đáng kể nên ngộ độc solanin nặng do ăn khoai tây chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt do ăn quá nhiều khoai tây và ăn cả mầm khoai.

Giật mình với clip 'soi khoai tây mọc mầm dưới kính hiển vi' và 5 lưu ý khi ăn khoai tây để không gây hại sức khỏe

Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, chất solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2-0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể. Do vậy tốt nhất không nên ăn những củ khoai tây mọc mầm. Trong trường hợp khoai tây chỉ mới nảy 1-2 mầm nhỏ, thì phải bỏ hết mầm, khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ để loại bỏ hết chất solanin rồi mới được nấu ăn.

Một số triệu chứng ngộ độc khoai tây mọc mầm do Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo đó là: đau bụng, tiêu chảy, có hiện tượng giãn đồng tử và liệt nhẹ hai chân. Dù rất hiếm, nhưng đã có người phải nằm viện, thậm chí tử vong do ngộ độc khoai tây.

5 lưu ý khi ăn khoai tây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Trong Đông y Việt Nam, khoai tây từ lâu đã được công nhận về tác dụng trị bệnh. Củ khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí, kiệt tỳ, tiêu viêm, chữa khó tiêu, đau bụng, viêm loét dạ dày... Tuy nhiên, theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) để an toàn khi tiêu thụ khoai tây, các gia đình nên ghi nhớ 5 điều quan trọng:

1. Khoai tây có chỉ số đường huyết cao có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu và đẩy mạnh sản xuất insulin. Chính vì thế những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.

2. Ăn nhiều khoai tây có thể sinh ra các triệu chứng như kích ứng da, tiêu chảy, khó tiêu, đau đầu… Bạn nên thận trọng xem mình có bị dị ứng với loại củ này hay không.

Giật mình với clip 'soi khoai tây mọc mầm dưới kính hiển vi' và 5 lưu ý khi ăn khoai tây để không gây hại sức khỏe - 1

3. Bà bầu cần tránh ăn nhiều khoai tây, vì khoai tây dễ gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến thể trạng bà mẹ và thai nhi.

4. Khoai tây không nên nấu chung khoai tây với cà chua, nhất là cà chua xanh kẻo gây khó tiêu, hại dạ dày.

5. Trước khi dùng khoai tây để điều chế thành thuốc chữa bệnh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ Đông y để tránh tác dụng phụ.

Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)